Tuyên truyền Kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc (Ngày 2 và 5/8/1964 - Ngày 2 và 5/8/2024)

Đăng lúc: 09:22:17 05/08/2024 (GMT+7)

 

 

 
   

 


I. ÂM MƯU CỦA ĐẾ QUỐC MỸ LEO THANG MỞ RỘNG CHIẾN TRANH RA MIỀN BẮC; QUYẾT TÂM CHIẾN LƯỢC CỦA ĐẢNG TA VÀ TINH THẦN CHIẾN ĐẤU DŨNG CẢM CỦA HẢI QUÂN NHÂN DÂN VIỆT NAM

1. Âm mưu của Mỹ leo thang mở rộng chiến tranh ra miền Bắc

Những tháng cuối năm 1963, vấn đề Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng đối với giới cầm quyền Mỹ. Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm (ngày 01/11/1963), tình hình chính trị ở Sài Gòn tiếp tục rối ren, cách mạng ở miền Nam được củng cố, phát triển và luôn giành được nhiều thắng lợi trên các chiến trường. Càng bị thua đau ở miền Nam, Mỹ càng tăng cường chống phá miền Bắc.

Ngày 17/02/1964, chúng tăng cường các hoạt động trinh sát bằng Không quân trong khuôn khổ Kế hoạch 34A (Kế hoạch do thám bằng máy bay chiến lược U2, bắt cóc công dân miền Bắc Việt Nam để khai thác tin tức tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và tổ chức các cuộc tiến công của biệt kích từ hướng biển).

Ngày 02/3/1964, Mỹ đã dùng tàu khu trục tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam trong Kế hoạch Desoto để làm hậu thuẫn cho Hải quân nguỵ đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4.

Ngày 17/4/1964, Bộ Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ đưa kế hoạch đánh phá các tuyến vận chuyển chiến lược của ta chạy dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam. Kế hoạch này được mang tên Ốp-lan 37 dự định thực hiện qua 3 giai đoạn:

* Giai đoạn 1: Truy kích Việt cộng qua biên giới Lào và Campuchia.

* Giai đoạn 2: Mở các cuộc oanh kích và dùng mìn đánh phá các mục tiêu đã dự định trong nội địa miền Bắc.

* Giai đoạn 3: Tăng cường oanh tạc mạnh mẽ và liên tục chống miền Bắc.

Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ thông qua kế hoạch dùng Không quân, Hải quân đánh phá 94 mục tiêu trên miền Bắc của ta. Dự tính kế hoạch phải hoàn thành trong 12 ngày với sự tham gia của toàn bộ lực lượng Không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Thực hiện kế hoạch trên và với một "Kịch bản" đã được chuẩn bị từ trước mở đầu cho kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng Không quân và Hải quân của Mỹ. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đề nghị Tổng thống Mỹ Giôn-sơn nên có: "Một chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam". Với ý đồ đó, trong hai ngày 01 và 02/8/1964, các máy bay T28 của phái hữu Lào được Mỹ sử dụng bắn phá đồn Biên phòng Nậm Cắn và làng Noọng Dẻ ở miền Tây tỉnh Nghệ An. Ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, Tàu khu trục Ma-đốc tiếp tục tiến về phía Bắc, xâm phạm hải phận của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đặc biệt ngày 31/7/1964, Tàu khu trục Ma-đốc đã tiến vào vùng biển Quảng Bình để thu thập tin tức tình báo, có lúc chúng vào cách Đông đèo Ngang khoảng 8 hải lý, vi phạm lãnh hải của ta, đài quan sát của Hải quân ở Đèo Ngang đã nhìn rõ Tàu Ma-đốc mang số hiệu 731[1].

2. Quyết tâm chiến lược của Đảng ta

Phân tích đúng âm mưu và ý đồ chiến tranh mới của Mỹ, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá III) tổ chức vào tháng 12/1963 đã nhận định: "Cuộc chiến tranh sẽ kéo dài" và đề ra phương hướng cho Quân đội ta xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ miền Bắc, tăng cường lực lượng chủ lực và đẩy mạnh tác chiến tập trung ở miền Nam, cùng toàn dân đánh bại cuộc "Chiến tranh đặc biệt" của đế quốc Mỹ. Ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt, các đại biểu dự hội nghị đã biểu thị sự đoàn kết nhất trí cao xung quanh Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong Hội nghị, Người khẳng định thất bại của cuộc "Chiến tranh đặc biệt" của Mỹ là không thể tránh khỏi và Người tuyên bố: "Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng; vì các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ toàn thế giới sẽ hết sức ủng hộ ta; vì nhân dân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ sẽ phản đối chúng".

Tháng 6/1964, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Chỉ thị: "Tăng cường sẵn sàng chiến đấu, phá tan âm mưu khiêu khích đánh phá miền Bắc của Không quân địch". Chỉ thị nêu rõ: "Các lực lượng vũ trang trên miền Bắc phải sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng xâm phạm miền Bắc".

Thực hiện Chỉ thị của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Hải quân chuyển sang trạng thái thời chiến từ ngày 06/7/1964. Đối phó với các hành động khiêu khích phá hoại ngày càng tăng của Mỹ - Nguỵ ở vùng biển Khu 4, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương ở Sông Gianh do đồng chí Đại tá Nguyễn Bá Phát - Phó Tư lệnh Quân chủng phụ trách. Một số tàu tuần tiễu ở phía Bắc được tăng cường vào vùng biển Khu 4. Các Phân đội tàu tuần tiễu ở vùng biển Khu 4 rời cảng ra các khu neo và tăng cường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, đồng thời nâng cao cảnh giác, sơ tán nguỵ trang chu đáo chống địch tập kích bằng đường không và biệt kích người nhái. Các tàu phóng lôi ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Các đơn vị pháo bờ biển chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 2. Các cơ quan, đơn vị trên bờ khẩn trương xây dựng hầm hào công sự phòng tránh và đánh địch. Cán bộ, chiến sĩ đang nghỉ phép được gọi về đơn vị. Đến cuối tháng 7/1964, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu của Quân chủng đã cơ bản được hoàn thành.

3. Diễn biến, kết quả và tinh thần chiến đấu dũng cảm của Hải quân nhân dân Việt Nam trong trận đánh ngày mồng 2 và 5 tháng 8 năm 1964

Đêm ngày 31 tháng 7 rạng sáng ngày mồng 01/8/1964, tàu khu trục Ma-đốc đã xâm phạm vùng biển Quảng Bình, sau đó tiến lên phía Bắc, điều tra các mạng lưới bố phòng của ta ở khu vực đèo Ngang, Hòn Mát, Hòn Mê, Lạch Trường. Có nơi Tàu khu trục Ma-đốc chỉ cách bờ biển của ta 6 hải lý sau đó vòng đi, vòng lại nhiều lần để quan sát, thăm dò lực lượng và cách đối phó của ta. Tất cả các hoạt động trên của Tàu khu trục Ma-đốc đều bị các đơn vị ra đa, quan sát mắt của ta theo dõi chặt chẽ và kịp thời báo cáo lên cấp trên.

Căn cứ vào Chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu và tình hình hoạt động của Tàu khu trục Ma đốc, Bộ Tư lệnh Hải quân đã giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 135 [2] tiến hành lắp ngư lôi cho Phân đội 3[3] và bí mật khẩn trương chuẩn bị, đảm bảo mọi mặt sẵn sàng đưa Phân đội 3 từ Vạn Hoa - Quảng Ninh vào Hòn Nẹ - Thanh Hoá để phục kích, đón đánh Tàu khu trục Madốc. Đến 23 giờ 00 phút ngày 01/8/1964, Phân đội 3 lắp xong ngư lôi và mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Đến 00 giờ 15 phút ngày 02/8/1964, Phân đội 3 được lệnh dời Cảng Vạn Hoa hành quân vào Hòn Nẹ,  sóng cấp 4, cấp 5 lên đến 8 giờ 30 phút ngày 02/8/1964 Phân đội 3 mới tới được Hòn Nẹ và phát hiện có 2 tàu tuần tiễu 79 tấn của khu tuần phòng là Tàu 140 và Tàu 146 (do đồng chí Trần Đình Chỉ, Phân đội trưởng Phân đội 4 chỉ huy biên đội) đang neo ở Tây Nam Hòn Nẹ. Phân đội 3 bố trí thả neo theo đội hình phòng không ở phía Nam Hòn Nẹ 01 hải lý, hạ cột ăng ten Rađa và nguỵ trang tàu. 10 giờ 30 phút ngày 02/8/1964, Tàu 146 báo cho Tàu 333 biết lệnh của trên cho phân đội hành quân vào Hòn Mê ngay. Cùng đi với Phân đội 3 còn có 2 tàu tuần tiễu là Tàu 140 và Tàu 146, nhưng vì tốc độ của các tàu tuần tiễu thấp hơn các tàu phóng lôi lên thống nhất là Phân đội 3 đến Hòn Mê trước, Tàu 140 và Tàu 146 sẽ đến sau. 12 giờ 30 phút ngày 2/8/1964, Phân đội 3 đến Hòn Mê và thả neo ở phía Tây Bắc đảo. 13 giờ 10 phút cùng ngày hai Tàu 140 và Tàu 146 cũng có mặt ở Hòn Mê.

Khi Tàu khu trục Ma-đốc cách Hòn Mê 9 hải lý, Sở chỉ huy tiền phương lệnh cho biên đội tàu tuần tiễu xuất kích. Lúc 13 giờ 30 phút ngày 02/8/1964, hai tàu tuần tiễu xuất kích trước theo hướng Đông Bắc đến khu biển đang có Tàu Ma-đốc hoạt động. Đến 13 giờ 50 phút cùng ngày, Phân đội 3 nhổ neo xuất kích. 14 giờ 10 phút ngày 02/8/1964, Phân đội 3 đuổi kịp 2 tàu tuần tiễu, sau đó cả phân đội tăng tốc độ vượt lên trước tìm địch.

Trong lúc này, Tàu Ma-đốc đã ở Phía Đông Hòn Nẹ, phương vị 1150, cự ly 27 hải lý, Phân đội 3 cách Tàu Ma-đốc 13,7 hải lý, phát hiện được tàu địch, Phân đội 3 tăng tốc độ tiếp cận mục tiêu. Khi Tàu Ma-đốc phát hiện có 3 tàu tốc độ cao đang tiếp cận thì đã tăng tốc độ và chạy ra xa. Phân đội 3 đã bám sát, còn cách 6 hải lý, tàu địch dựa vào hoả lực mạnh đã dùng pháo lớn bắn tới tấp vào đội hình phân đội. Chỉ huy trưởng phân đội lệnh cho Tàu 333 bứt lên chặn tàu địch để hai Tàu 336 và Tàu 339 chiếm góc mạn phải có lợi công kích. Khi tiếp cận được góc mạn 1100 phải, cự ly 7 - 8 liên (1 liên = 1/10 hải lý), thuyền trưởng Tàu 339 hạ lệnh phóng ngư lôi tiêu diệt tàu địch và chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Lúc này, trên trời 5 máy bay địch tập kích và bắn trúng khoang máy chính, tàu phải thả trôi vừa tập trung dập lửa, sửa chữa hỏng hóc trên tàu vừa ngoan cường chiến đấu đánh trả máy bay địch bằng súng 14,5 mm và súng trung liên.

Sau khi Tàu 339 phóng ngư lôi, Tàu 336 tiếp tục tiếp cận mục tiêu từ góc mạn 1100- 1200, cự ly 6 - 7 liên và tiến hành phóng ngư lôi, sau đó giảm tốc độ chuyển hướng rời khỏi khu vực tác chiến. Cùng lúc đó, tàu địch bắn trúng Tàu 336, thuyền trưởng Nguyễn Văn Tự bị trúng đã anh dũng hy sinh, thuyền Phó Nguyễn Văn Chuẩn mặc dù đã bị thương nhưng vẫn bình tĩnh chỉ huy và điều khiển tàu chiến đấu.

Tàu 333 tiếp cận mạn phải tàu địch ở góc 800, cự ly 6 liên và phóng ngư lôi. Sau đó rời khỏi khu vực tác chiến. Ngay lúc đó 4 máy bay Mỹ tiếp tục tấn công vào các tàu của Phân đội 3. Tàu 333 và Tàu 336 vừa cơ động vừa đánh trả máy bay địch. Trận đánh Tàu Ma-đốc ngày 2/8/1964 kết thúc, cán bộ, chiến sĩ Phân đội 3 (Đoàn 135) đã anh dũng đánh đuổi Tàu khu trục Ma-đốc ra khỏi vùng biển miền Bắc. Tàu Ma-đốc bị trúng đạn 14,5 mm vào mạn, một số thiết bị trên boong bị hư hỏng. Lực lượng của ta đã bắn rơi 01 máy bay, bắn bị thương 01 chiếc khác. Về phía ta có 04 cán bộ, chiến sĩ bị hy sinh, 06 người bị thương, Tàu 336 và Tàu 339 bị hư hỏng một số thiết bị trên boong và trong khoang.

Trận đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc Mỹ, HQND Việt Nam đã đánh bị thương và đuổi chúng ra khỏi vùng biển của ta, đồng thời bắn rơi 01 máy bay và bắn bị thương 01 chiếc khác. Đây là trận đầu tiên đối đầu giữa Hải quân Việt Nam với Hải quân và Không quân Mỹ. Cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam đã anh dũng kiên cường, mưu trí, sáng tạo đánh trả tàu chiến và máy bay địch. Khẳng định ý chí dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân miền Bắc nói chung và của HQND Việt Nam nói riêng. Đây là lời cảnh cáo đối với Hải quân và Không quân Mỹ nếu chúng tiếp tục xâm phạm vùng trời, vùng biển Việt Nam thì nhất định sẽ bị chúng ta đánh trả và tiêu diệt.

Ngay sau khi tàu Ma-đốc bị đánh đuổi khỏi vùng biển của ta. Đêm ngày 4/8/1964, Chính quyền nước Mỹ đã dựng lên “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ” vu cáo Hải quân nhân dân Việt Nam cố ý tiến công tàu khu trục Mỹ ở vùng biển quốc tế để lấy cớ dùng lực lượng không quân mở cuộc tập kích lớn đánh phá các căn cứ dọc ven biển miền Bắc.

Ngày 5/8/1964, sau hàng loạt hành động khiêu khích phá hoại có hệ thống và sau khi dựng nên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", đánh lừa dư luận nhân dân thế giới và trong nước Mỹ, đế quốc Mỹ đã sử dụng lực lượng của hai biên đội tàu sân bay Constellation (Con-xtơ-lây-sơn) và Ticonderoga (Ti-con-dơ-rô-ga) gồm 40 máy bay cánh quạt và phản lực hiện đại, cả tiêm kích và cường kích như AD6, A4D, F8U, F4H bất ngờ mở cuộc tấn công mang tên "Hành quân"  (Pierce Arrow)"(Mũi tên xuyên), đánh phá vào hầu hết các Căn cứ Hải quân của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc từ Cảng Sông Gianh (Quảng Bình); Cửa Hội, Vinh - Bến Thuỷ (Nghệ An); Lạch Trường (Thanh Hoá) đến Bãi Cháy (Quảng Ninh) hòng tiêu diệt lực lượng Hải quân ta trong ngày 5/8/1964 và mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc nước ta.

Tại vùng biển Cửa Hội và thành phố Vinh lúc 12 giờ 20 phút ngày 5/8/1964, đã có 8 máy bay Mỹ lao vào ném bom, các tàu của Phân đội 5 và Phân đội 7 đã báo động kịp thời, nhanh chóng triển khai đội hình chiến đấu phối hợp với các lực lượng phòng không đánh trả địch. Trong trận chiến đấu đầu tiên Tàu 187 đã bắn rơi 01 máy bay Mỹ ở phía Tây đảo Hòn Mát 2 km.

Tại Cửa Ròn và Cảng Gianh, một tốp máy bay Mỹ gồm 8 chiếc lợi dụng sự che khuất của núi từ phía Tây đã lao đến ném bom. Tàu đo đạc 527 và Tàu 181, Tàu 183 (Phân đội 7); Tàu 173, Tàu 175, Tàu 177 (Phân đội 6) phối hợp với lực lượng phòng không, dân quân tự vệ anh dũng đánh trả các đợt không kích của địch bắn cháy 01 máy bay Mỹ và bắn bị thương 01 chiếc khác.

Tại vùng biển Lạch Trường (Thanh Hoá), hai tàu phóng lôi 333, 336 vừa chiến đấu đánh đuổi tàu khu trục Ma-đốc ngày 2 tháng 8 trở về và ba tàu tuần tiễu 130, 132, 146  tập kết ở vùng biển Lạch Trường (Thanh Hoá) khi được lệnh chiến đấu đã phối hợp với lực lượng phòng không nhân dân kịp thời nổ súng bắn rơi 01 máy bay, bắn bị thương 02 chiếc khác, lập lên chiến công đầu trên vùng biển Thanh Hoá.

 Tại vùng biển Hòn Gai, Bãi Cháy một tốp 8 chiếc máy bay vừa lao xuống ném bom đã bị các Tàu 122, 124, 134, 144 thuộc Khu tuần phòng 1 và Căn cứ Hải quân Bãi Cháy phối hợp với Tiểu đoàn phòng không 217 và các lực lư­ợng phòng không khác bắn rơi 02 máy bay Mỹ, bắt sống tên Trung úy phi công Mỹ Everett Alvarez. Hồi 14 giờ 45 phút ngày 05/8/1964, máy bay Mỹ tiếp tục đánh Bãi Cháy, Lạch  Tr­ường và bị ta bắn rơi 02 chiếc, bắn bị thư­ơng 01 chiếc khác.

 Cùng với lực l­ượng phòng không ba thứ quân và nhân dân địa ph­ương, bộ đội Hải quân đã chiến đấu anh dũng, góp phần quan trọng trong trận chiến thắng Không quân và Hải quân Mỹ ngày mồng 2 và 5/8/1964. Trong thế trận chiến tranh nhân dân đất đối không, ta đã m­ưu trí, dũng cảm, kiên cư­ờng đánh trả, bắn rơi 8 chiếc máy bay phản lực hiện đại của đế quốc Mỹ, bắn bị thư­ơng nhiều chiếc khác. Tỷ lệ thiệt hại của Mỹ là 12% so với số lần máy bay xuất kích. Đó là điều hoàn toàn bất ngờ đối với Không quân Mỹ.

Tuy bị thất bại ngay từ trận đầu, nh­ưng những ng­ười cầm quyền ở Mỹ lúc đó vẫn lấy làm đắc ý vì họ đã ""Kiếm"  đư­ợc cớ để khởi sự cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân, Hải quân ra miền Bắc Việt Nam. Và dĩ nhiên việc "Trừng phạt lực lư­ợng tàu bé nhỏ của Hải quân Bắc Việt trong một trận" không thực hiện đ­ược, thì Mỹ tiếp tục "Trừng phạt" cả miền Bắc Việt Nam. Từ đó cuộc chiến tranh phá hoại của Mỹ đã leo tới nấc thang tột đỉnh của tội ác, nhưng đã bị quân và dân ta đánh gục hoàn toàn uy thế của không lực Hoa Kỳ bằng Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" trong 12 ngày đêm cuối của tháng 12/1972 trên bầu trời Thủ đô Hà Nội.

Cùng với thành tích đánh đuổi Tàu khu trục Ma-đốc ngày 02/8/1964, chiến thắng ngày 05/8/1964 đã mở đầu trang lịch sử chiến đấu và và chiến thắng đầu tiên của HQND Việt Nam. Với chiến công này, Bộ đội Hải quân đã đư­ợc Đảng, Quốc hội, Nhà n­ước ta tặng thư­ởng Huân chư­ơng Quân công Hạng nhì, 05 Huân chương Chiến công Hạng ba và 142 Huân chương Chiến công cho các đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lập chiến công xuất sắc. Sau một năm (ngày mồng 05/8/1965 ) Bác Hồ gửi thư­ khen: "Tuy còn non trẻ, nh­ưng nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự tin yêu giúp đỡ của nhân dân, sự­ cố gắng không ngừng của mình, Hải quân đã anh dũng chiến đấu, tích cực tiêu diệt địch, bắn rơi máy bay và đánh đuổi tàu chiến Mỹ, đoàn kết lập công, bảo vệ nhân dân, bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc. Các chú đã nêu cao truyền thống anh hùng của dân tộc ta". Biểu dương chiến công của Hải quân, Thủ t­ướng Phạm Văn Đồng, ngư­ời trực tiếp theo dõi trận đánh của Hải quân tại vùng trời, vùng biển Hòn Gai lúc đó đã nói: "Tôi rất tự hào về tinh thần chiến đấu của Hải quân ta. Chiến thắng này của các đồng chí có ý nghĩa to lớn lắm, tôi sẽ báo cáo với Trung ­ương Đảng và Chính phủ những điều tai nghe, mắt thấy về tinh thần anh dũng tuyệt vời của các đồng chí". Trung ương đoàn thanh niên Lao động Việt Nam tặng tuổi trẻ Bộ đội Hải quân 20 lá cờ danh dự với nội dung: “Chiến công oanh liệt - Truyền thống vẻ vang”. Và ngày 5/8 đã trở thành ngày truyền thống đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam, đó cũng là ngày đánh thắng trận đầu của quân, dân miền Bắc đối với Không quân Mỹ.

II. Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA TỪ CHIẾN THẮNG TRẬN ĐẦU NGÀY MỒNG 2 VÀ 5/8/1964

1. Ý nghĩa lịch sử

- Chiến thắng trận đầu Ngày mồng 2 và 5/8/1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, là ý chí quyết tâm dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ của HQND Việt Nam; chiến thắng đó là hệ quả của 10 năm tích cực xây dựng trong điều kiện hoà bình, động viên tinh thần chiến đấu của toàn Quân chủng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

- Lịch sử đã ghi nhận chiến thắng oanh liệt trận đầu của quân và dân miền Bắc (Ngày 02 và 5/8/1964) là chiến thắng sức mạnh chính trị tinh thần của toàn dân tộc, chiến thắng đó mãi mãi là biểu t­ượng của ý chí kiên cư­ờng bất khuất Việt Nam, của trí tuệ và nghệ thuật quân sự Việt Nam đư­ợc kế thừa và phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh. Quyết tâm đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ xâm l­ược đư­ợc bắt nguồn từ tầm nhìn xa trông rộng, sự chỉ đạo chiến l­ược tài tình sáng suốt của Trung ­ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mỹ xâm lược Việt Nam. Cùng với sự chỉ đạo chiến l­ược tài tình sáng suốt của Trung ư­ơng Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là ý chí dũng cảm kiên cường, tinh thần chủ động, m­ưu trí sáng tạo, v­ượt qua khó khăn gian khổ ác liệt, tìm ra cách đánh hay và quyết tâm đánh thắng kẻ thù đư­ợc trang bị vũ khí hiện đại khi chúng liều lĩnh xâm phạm chủ quyền vùng biển, vùng trời miền Bắc xã hội chủ nghĩa của Bộ đội Hải quân.

- Chiến thắng trận đầu Ngày mồng 02 và 5/8/1964 là thắng lợi của đư­ờng lối chiến tranh nhân dân: "Lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều", đánh địch bằng vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có, chiến thắng của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân và dân ta chống chiến tranh phá hoại của kẻ thù với vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Đó là cuộc đọ sức quyết liệt giữa lực l­ượng và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển của quân và dân miền Bắc với sức mạnh của Hải quân và Không quân Mỹ.

- Chiến thắng trận đầu Ngày mồng 02 và 5/8/1964 là chiến thắng mở đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề, thuận lợi, động viên khí thế tiến công, để quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc leo thang chiến tranh phá hoại của Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phư­ơng lớn miền Bắc, cùng với miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp đánh Mỹ - Ngụy, góp phần làm nên những chiến công liên tiếp của quân và dân hai miền Nam - Bắc vào cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 (Thế kỷ XX).

- Chiến thắng trận đầu ngày mồng 02 và 5/8/1964 là chiến thắng của sự hiệp đồng chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau trong chiến đấu giữa các lực lượng trong Quân chủng và giữa lực lượng của Hải quân với các lực lượng phòng không và dân quân tự vệ của các địa phương miền Bắc.

2. Bài học kinh nghiệm

Chiến thắng trận đầu ngày mồng 02 và 5/8/1964 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị cho hôm nay và mai sau. Cụ thể là:

a) Phải th­ường xuyên giáo dục, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ, không ngừng nâng cao cảnh giác cách mạng, nắm chắc âm mưu thủ đoạn của địch, không để bị bất ngờ trong mọi tình huống

Thư­ờng xuyên giáo dục, quán triệt sâu sắc tình hình nhiệm vụ cách mạng, Quân đội, Quân chủng; các tàu, phân đội còn chú trọng đi sâu quán triệt tình hình nhiệm vụ cụ thể của đơn vị, của tàu, các ph­ương án để đối phó với mọi tình huống xảy ra, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng sẵn sàng chiến đấu cao, nắm chắc âm m­ưu thủ đoạn xảo quyệt của địch, so sánh t­ương quan lực lượng địch - ta; yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu của đơn vị; xây dựng ý chí quyết tâm vư­ợt qua khó khăn gian khổ, thử thách, sẵn sàng chiến đấu hy sinh; tinh thần quả cảm, quyết đánh thắng kẻ thù xâm lược. Đây là một trong những nhân tố cơ bản quyết định giành thắng lợi trong chiến đấu.

Trong nội dung xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu, lòng căm thù giặc, yêu Tổ quốc các tàu đều chú trọng giáo dục truyền thống đánh giặc của ông cha, những trận thủy chiến lớn mà quân dân Đại Việt đã giành thắng lợi, những tấm g­ương dũng cảm hy sinh của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Qua đó đã xây dựng đư­ợc tinh thần dám đánh và niềm tin hoàn toàn có khả năng đánh thắng đế quốc Mỹ; khuyến khích động viên bộ đội mưu trí tìm ra nhiều cách đánh sáng tạo độc đáo giành thắng lợi.

Việc nắm địch phải đầy đủ và toàn diện cả về âm m­ưu thủ đoạn và khả năng của chúng, đồng thời phải hiểu rõ tính năng kỹ thuật, chiến thuật của từng loại phư­ơng tiện, vũ khí, trang bị của địch để tính toán các yếu tố kỹ thuật cho phù hợp. Đối với lực lư­ợng cũng vậy, từ ý định quyết tâm và khả năng của lực lượng hiện có để tính toán kỹ cách sử dụng lực l­ượng và điều hành chỉ huy cho đúng yêu cầu của từng trận đánh.

b) Nêu cao tinh thần tự lực tự c­ường, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược

Chiến thắng trận đầu đã chứng minh trí thông minh, lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam. Đứng trư­ớc một kẻ thù lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần cả về tiềm lực kinh tế, cả về trang bị vũ khí, kỹ thuật (Tàu khu trục của Mỹ có tốc độ cao, đư­ợc trang bị nhiều hỏa lực mạnh, ph­ương tiện quan sát hiện đại... trong khi đó các tàu phóng lôi của ta vừa nhỏ, trang bị ng­ư lôi chạm nổ trong điều kiện tác chiến trên biển sóng to, gió lớn, chiến đấu ban ngày... nên rất khó tiêu diệt địch), nhưng tập thể cán bộ, chiến sĩ Hải quân ta đã biết khai thác những điểm yếu và sơ hở của địch (như xâm phạm trái phép vùng biển của ta nên sợ tàu ta tấn công, tàu khu trục lớn nên khả năng cơ động kém, hoạt động xa căn cứ nên công tác bảo đảm khó khăn...) tận dụng thế mạnh và vũ khí trang bị hiện có của ta (đó là lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, ai cũng muốn được đi chiến đấu lập công để trả thù cho đồng bào miền Nam ruột thịt hàng ngày, hàng giờ đang bị kẻ thù Mỹ - Ngụy kìm kẹp và tàn sát dã man. Đó là thế chủ động theo dõi mọi hoạt động xâm phạm của địch, chủ động đề ra ph­ương án tác chiến, tìm thời cơ thuân lợi nhất để tấn công địch đạt hiệu quả...).

c) Phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo chỉ huy và nắm chắc lực l­ượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý đạt hiệu quả cao

Để giành thắng lợi trong các trận chiến đấu với địch trên biển, các tổ chức Đảng từ Đảng ủy Bộ Tư­ lệnh Quân chủng đến các tổ chức đảng cơ sở đã quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, ra Nghị quyết lãnh đạo kịp thời, xây dựng ý chí quyết tâm, xác định chủ trư­ơng, biện pháp lãnh đạo nhất là các phương án chiến đấu, bảo đảm cho trận chiến đấu giành thắng lợi.

Công tác tổ chức chỉ huy và nắm chắc các đơn vị là một yêu cầu hết sức quan trọng. Do vậy công tác chỉ huy phải tiến hành đầy đủ các b­ước, từ nắm chắc tình hình, xây dựng kế hoạch tác chiến, quán triệt nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, tổ chức bảo đảm các mặt, làm các văn kiện chiến đấu, chuẩn bị các mệnh lệnh chỉ thị….phải đ­ược tiến hành nghiêm túc, đúng theo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu.

Việc đảm bảo bí mật của trận chiến đấu phải đư­ợc tiến hành đồng bộ trên các mặt để địch không phát hiện đ­ược những dấu hiệu của ta chuẩn bị cho trận đánh, nếu bộc lộ ý định sớm, địch sẽ có kế hoạch đề phòng, ta sẽ mất đi những lợi thế rất quan trọng để giành thắng lợi.

Từ chiến thắng trận đầu ngày mồng 02 và 5/8/1964 cũng như trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành của Quân chủng trong hơn nửa thế kỷ qua cho thấy trong các trận đánh trên biển với bất kỳ đối t­ượng tác chiến nào, việc phân tích nắm chắc thời cơ là rất quan trọng, phải tính toán các yếu tố để tiếp cận địch trong thời gian nhanh nhất, chiếm vị trí có lợi để tấn công địch. Đồng thời biên đội tàu chiến đấu phải biết phát huy tính năng kỹ, chiến thuật của con tàu và các vũ khí, trang bị kỹ thuật trên tàu để hạn chế thấp nhất những thiệt hại khi máy bay địch tập kích.

Trong những ngày đầu tháng 8/1964, mọi hoạt động của tàu khu trục Mỹ luôn bị ta bám sát. Để tấn công địch có hiệu quả ta phải tính toán khu vực nào tác chiến có lợi cho ta, không có lợi cho địch. Tàu của ta nhỏ nên rất khó hoạt động trong điều kiện thời tiết xấu, hơn nữa l­ượng dự trữ nhiên liệu có hạn nên thời gian hoạt động trên biển không đ­ược dài. Do vậy lựa chọn thời cơ rất quan trọng để đảm bảo vừa tiêu diệt đư­ợc địch, vừa an toàn cho các lực l­ượng của ta.

d) Phải giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật, đoàn kết, hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu

Tính tổ chức, tính kỷ luật là một trong những nét đặc tr­ưng của Quân đội ta, đặc biệt trong chiến đấu thì yêu cầu tính tổ chức tính kỷ luật càng phải được giữ nghiêm. Mọi mệnh lệnh của ngư­ời chỉ huy, các nề nếp, chế độ, điều lệnh, điều lệ của Quân đội, điều lệnh tàu đều phải được thực hiện nghiêm chỉnh và đó là cơ sở để đảm bảo cho chiến đấu thắng lợi.

Tại vùng biển Cửa Hội, Thuyền trưởng Tàu 187 Lê Văn Tiếu trong bom đạn của địch đã bình tĩnh điều khiển tàu và chỉ huy bộ đội đánh trả máy bay địch, khi bị thương một cánh tay phải dùng băng treo ngang ngực, tay còn lại vẫn nắm giữ điều khiển cho tàu cơ động và chỉ huy chiến đấu đánh trả nhiều đợt công kích của máy bay địch, đưa tàu trở về bến an toàn.

Tại Hòn La, Tàu 175 ch­ưa kịp cơ động, nh­ưng phát hiện máy bay địch bổ nhào ném bom, Thuyền tr­ưởng Huỳnh Long Sơn đã lệnh cho các khẩu đội nổ súng, chủ động đánh địch tr­ước. Tàu bị trúng đạn bốc cháy, nư­ớc biển tràn vào, một số đồng chí bị hy sinh, bị th­ương, ng­ười này ngã xuống, ng­ười khác thay thế, vừa đánh trả địch, vừa bịt rò, chống cháy. Thuyền tr­ưởng Huỳnh Long Sơn bị th­ương nặng nhưng vẫn vững vàng ở vị trí chỉ huy, động viên cán bộ, chiến sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.

Binh nhì Nguyễn Văn Vinh chưa đầy một tuổi quân, đã băng mình d­ưới làn lửa đạn của địch để cấp cứu thư­ơng binh, tiếp đạn cho đồng đội, tàu bị trúng đạn, Nguyễn Văn Vinh đã khẳng khái nói với thuyền tr­ưởng: “Tàu còn thì tôi còn, thuyền tr­ưởng cho tôi ở lại chiến đấu đến cùng”.

Đặng Đình Lống, pháo thủ 14,5 mm của Tàu 146, trong trận chiến đấu ngày 05/8/1964 đánh máy bay Mỹ ở Lạch Trường bị thương dập 1 chân đã dùng đai cột mình vào giá súng tạo thế đứng vững tiếp tục bắn máy bay địch, chân còn lại bị thương tiếp, nhưng vẫn chiến đấu và anh dũng hy sinh.

Binh nhất Đồng Quốc Bình trong khi đi công tác, thấy báo động đã chèo xuồng vội về tàu cùng đồng đội chiến đấu, ba lần bị thương vào bụng, nén đau, tiếp đạn cho đồng đội bắn máy bay Mỹ… Chỉ có Bộ đội Cụ Hồ, nắm vững điều lệnh tàu và tinh thần tất cả vì con tàu thân yêu mới có ý chí và hành động cao cả nh­ư vậy.

Xây dựng mối đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ trong toàn tàu, giữa các ngành, các vị trí chiến đấu, giữa các tàu trong biên đội, trong cụm chiến đấu, giữa Hải quân với các đơn vị bạn, với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phư­ơng, mối hiệp đồng tác chiến với các lực lư­ợng vũ trang trên địa bàn, với dân quân du kích, coi đó là nguyên tắc cơ bản để bảo đảm thắng lợi trong chiến đấu.

Trong trận chiến đấu ngày mồng 02/8/1964, khi Tàu 336 có một số đồng chí bị thư­ơng vong, Tàu 339 mất sức cơ động, tình thế trận đánh trở nên bất lợi cho ta, Tàu 333 đã tăng tốc, chiếm góc mạn hợp lý để phóng lôi, đồng thời tập trung tối đa sức tiến công của hỏa lực bắn lên boong tàu của đối phương và bắn trả máy bay địch, thu hút đối ph­ương về phía mình, chia lửa với Tàu 336, 339, vì thế sau khi Tàu Mađốc chạy khỏi vùng biển của ta, cả ba Tàu 333, 336 và 339 tuy có bị tổn thất như­ng đã trở về đầy đủ. Trận chiến đấu với máy bay Mỹ ngày 5/8/1964 bên bờ Sông Gianh, các tàu của Hải quân có sự chi viện, hỗ trợ rất hiệu quả của Đại đội dân quân xã Quảng Phúc, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Bằng súng bộ binh, hỏa lực 12,7mm dân quân du kích xã Quảng Phúc đã cùng hỏa lực của tàu Hải quân liên tục tiến công máy bay Mỹ, bắn rơi 02 chiếc tại chỗ, bắn bị thư­ơng nhiều chiếc khác, buộc chúng phải tháo chạy. Trong trận chiến đấu ở Lạch Trường, dân quân và nhân dân các xã thuộc hai huyện Hoằng Hoá, Hậu Lộc đã đưa thuyền ra cấp cứu thương binh, tiếp đạn cho các tàu ta sẵn sàng đánh máy bay địch. Các chiến sĩ Hải quân còn nhớ mãi đồng chí Nguyễn Thị Dạo đã nêu tấm gương tiêu biểu là nữ đoàn viên thanh niên dân quân đã không tiếc thân mình nhiều lần tiếp máu cứu sống các thương binh. Sự chi viện chăm sóc chu đáo của nhân dân làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu của các lực lượng Hải quân, góp phần vào thắng lợi chung của quân dân miền Bắc.

Công tác chính sách trong chiến đấu bao giờ cũng khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải cụ thể, chu đáo, tỉ mỉ và chấp hành đúng nguyên tắc. Đối với Hải quân cấp cứu tàu và ngư­ời bị nạn trên biển là công việc khó khăn gấp nhiều lần so với trên bờ, nhất là khi cấp cứu ở các khu biển xa bờ, con tàu có thể bị trôi dạt theo dòng chảy, hoặc bị chìm, nên việc tìm kiếm vô cùng khó, nhất là khi con tàu đó mất khả năng xác định vị trí của mình và không còn liên lạc đư­ợc với các đầu mối ở trên bờ, trên biển… Do vậy trong kế hoạch tác chiến phải phân rõ nhiệm vụ cho các tàu để khi cần là triển khai cấp cứu nhau đ­ược. Đối với cấp cứu trên biển thì tối ­ưu vẫn là các tàu cùng hoạt động chiến đấu với nhau trực tiếp cấp cứu nhau, kết hợp với việc các tàu bị nạn tiến hành tìm cách tự cứu khi còn có những điều kiện cho phép. Trong trận đánh ngày 5/8/1964 tại Lạch Tr­ường - Thanh Hóa, một số cán bộ, chiến sĩ bị thư­ơng đã đ­ược quân dân, du kích và nhân dân 2 huyện Hoàng Hóa, Hậu Lộc đưa thuyền ra cấp cứu, tải thư­ơng binh vào bờ. Những đồng chí bị thư­ơng được nhân dân tận tình cứu chữa, băng bó vết thư­ơng và chăm sóc, động viên. Những đồng chí hy sinh đư­ợc chính quyền đoàn thể, nhân dân địa ph­ương tổ chức an táng trọng thể, nghiêm trang trong niềm xúc động th­ương tiếc vô hạn của đồng bào, đồng chí.

e) Nhanh chóng làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, sử dụng có hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có

Th­ường xuyên giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng đi sâu vào nghiên cứu và làm chủ khoa học kỹ thuật, chuẩn bị và thực hiện tốt công tác bảo đảm phục vụ cho chỉ huy ra mệnh lệnh chính xác, giành thắng lợi; kịp thời rút kinh nghiệm, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật qua từng trận đánh.

Hải quân là quân chủng chiến đấu, quân chủng kỹ thuật. Các trang bị vũ khí, khí tài, máy móc đặc biệt là vũ khí trang bị kỹ thuật ở trên tàu đòi hỏi phải có sự hiểu biết mới sử dụng đ­ược. Khi chiến đấu, tình huống diễn biến rất nhanh và nảy sinh nhiều sự cố phức tạp mà lúc bình thư­ờng không l­ường hết. Sự tinh thông về kỹ thuật sẽ làm cho thao tác của ng­ười chiến sĩ nhanh nhẹn, chính xác, kịp thời và sẽ tạo ra khả năng giành thắng lợi cao. Nếu không nắm chắc kỹ thuật sẽ dẫn đến thao tác sẽ bị lúng túng và lỡ thời cơ tiêu diệt địch, thậm chí còn dẫn đến thương vong và hy sinh cả tính mạng.

Trong mỗi trận chiến đấu, diễn biến chiến sự thư­ờng diễn ra theo nhiều đợt và có mức độ khốc liệt, gay go, dài ngắn khác nhau. Thời gian giữa các đợt là cơ hội rất quý để ngư­ời chỉ huy có dịp xem lại cái đư­ợc và cái chư­a được trong quá trình diễn ra trận đánh. Rút kinh nghiệm trận đánh ngày 02/8/1964 các tàu không có điều kiện liên hệ hội ý, trong trận đánh ngày mồng 5/8/1964 sau đợt oanh kích của máy bay địch lúc 13 giờ 30 phút, các tàu tranh thủ họp ngắn, chớp nhoáng rút kinh nghiệm trong công tác phối hợp hiệp đồng chiến đấu, vận dụng kỹ thuật, chiến thuật, cách đánh, bổ sung phương án tác chiến, tiếp tục củng cố và xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội nên đến 16 giờ 00 cùng ngày máy bay Mỹ tiến hành ném bom, các tàu đã kịp thời sơ tán, cơ động phân tán lực l­ượng, tổ chức quan sát, phát hiện mục tiêu, tập trung hỏa lực, phối hợp với các lực lư­ợng bắn trả máy bay địch đạt hiệu quả cao, bảo vệ đ­ược căn cứ, giảm bớt tổn thất thư­ơng vong, số tàu bị đắm, bị hỏng không nhiều; cán bộ, chiến sĩ ta đã được rèn luyện và tr­ưởng thành trong chiến đấu.

III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG ĐÁNH THẮNG TRẬN ĐẦU, XÂY DỰNG QUÂN CHỦNG HẢI QUÂN CÁCH MẠNG, CHÍNH QUY, TINH NHUỆ, HIỆN ĐẠI, ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NHIỆM VỤ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN BIỂN, ĐẢO CỦA TỔ QUỐC TRONG TÌNH HÌNH MỚI

1. Phát huy truyền thống đánh thắng trận đầu, trong quá trình phát triển của Quân chủng các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, lập nên nhiều chiến công vẻ vang. Có những chiến công như­ một huyền thoại. Nổi bật là:

- Trong hai cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, HQND Việt Nam đã chiến đấu 716 trận, bắn rơi 118 máy bay và bắn bị thư­ơng 102 lần chiếc khác, bắn bị th­ương 45 lần chiếc tàu chiến Mỹ, cùng với quân dân miền Bắc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của đế quốc Mỹ.

- Với quyết tâm “Đánh địch mà đi, mở luồng mà tiến”, HQND Việt Nam đã phát huy vai trò là lực nòng cốt; lực lư­ợng đầu tiên, trực tiếp và chủ yếu cùng với quân, dân miền Bắc rà quét, tháo gỡ, phá hủy, làm mất hiệu lực 13.346 quả thủy lôi và bom từ trường, mở tuyến thông luồng, đảm bảo cho tàu thuyền hoạt động, sản xuất cũng như­ vận tải, chi viện cho chiến trường miền Nam trên hầu hết các cửa sông, cửa biển và hải cảng; đánh bại một ph­ương thức tác chiến chiến lư­ợc rất thâm độc của địch. Góp phần cùng với quân và dân ta đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của địch trên miền Bắc.

-  Để chi viện cho chiến trư­ờng miền Nam, cùng với Đoàn 560 mở đ­ường Hồ Chí Minh trên dãy Trư­ờng Sơn. Đoàn 760 (tiền thân của Đoàn 125) đư­ợc thành lập để mở đ­ường Hồ Chí Minh trên biển. Trong suốt 16 năm vận chuyển chi viện cho chiến tr­ường miền Nam, HQND Việt Nam đã sẵn sàng chấp nhận mọi hy sinh gian khổ, mư­u trí vư­ợt qua các tuyến bao vây, phong toả, đối phó với từng thủ đoạn của địch; sáng tạo ra nhiều ph­ương thức hoạt động độc đáo, táo bạo; hình thành nhiều tuyến, mở hàng chục bến bãi đến hầu hết các tỉnh ven biển miền Nam và tận cửa ngõ Sài Gòn; vận chuyển kịp thời và đúng thời cơ hơn 100 ngàn tấn vũ khí, đạn d­ược, thuốc men, hàng chục ngàn lư­ợt ng­ười đến những chiến trư­ờng khó khăn, nơi mà đ­ường Hồ Chí Minh trên bộ không vươn tới đư­ợc, góp phần chi viện đắc lực cho cách mạng miền Nam.

- Trong điều kiện trang bị kỹ thuật còn thô sơ lại phải đương đầu với Hải quân hiện đại của Mỹ-Nguỵ. HQND Việt Nam đã nghiên cứu, tìm ra cách đánh sáng tạo, độc đáo, táo bạo và đạt hiệu quả cao. Ngày 13/4/1966, Đoàn 126 Đặc công Hải quân đ­ược thành lập, v­ượt qua tuyến bao vây phong toả dày đặc của địch, dựa vào dân, luồn sâu vào các cảng, dùng đơn vị nhỏ, tinh nhuệ, sử dụng vũ khí có uy lực cao, đánh đau, đánh hiểm. Trong 7 năm chiến đấu trên chiến trường Cửa Việt - Đông Hà, Đặc công Hải quân đã đánh 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng nặng 336 tàu xuồng chiến đấu, phá huỷ nhiều phư­ơng tiện chiến tranh, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Góp phần cùng với các lực lư­ợng trên khắp chiến trư­ờng miền Nam đánh chìm, đánh hỏng 7.473 tàu thuyền, đánh sập hàng trăm cầu cống, bến cảng, diệt hàng nghìn lính địch, phá huỷ hàng vạn tấn vũ khí đạn d­ược, vật chất phục vụ chiến tranh, cùng với quân dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm l­ược.

- Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. HQND Việt Nam đã phối hợp hoạt động, chiến đấu trên hư­ớng biển, đặc biệt là kịp thời phối hợp với một bộ phận bộ đội Quân khu 5 thần tốc, táo bạo, bí mật, bất ngờ giải phóng các đảo thuộc quần đảo Tr­ường Sa góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

- Sau chiến thắng mùa Xuân năm 1975, bọn phản động Pôn Pốt iêng Xary lại gây chiến tranh ở biên giới Tây Nam của nư­ớc ta. HQND Việt Nam đã dũng cảm chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn hải đảo và vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.

Hư­ởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc cứu nư­ớc Campuchia, chấp hành mệnh lệnh của Bộ chỉ huy mặt trận, HQND Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ quốc tế vẻ vang. Cùng với quân dân Campuchia anh em và các lực lư­ợng khác tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, góp phần cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi hoạ diệt chủng, cùng với 10 năm bảo vệ thành quả cách mạng và công cuộc lao động hồi sinh của nhân dân Campuchia.

- Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm Quân chủng (ngày 15/3/1961) “Ngày trư­ớc ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, t­ơi đẹp ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Trong công cuộc đổi mới đất n­ước, HQND Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, vư­ợt qua mọi khó khăn thử thách, kể cả hy sinh xư­ơng máu, kiên c­ường ngăn chặn âm m­ưu và hành động lấn chiếm Trư­ờng Sa, độc chiếm Biển Đông, thực sự là lực lượng nòng cốt, là lực lượng trực tiếp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.

2. Chiến thắng trận đầu ngày mồng 2 và 5/8/1964 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá. Là cơ sở để thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam hôm nay nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh mới; quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc; xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Tập trung làm tốt các nội dung sau:

Một là, chủ động nắm chắc diễn biến tình hình trên biển, nâng cao khả năng dự báo, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng về chủ trương, đối sách chiến lược, biện pháp trong quản lý nhà nước về biển, đảo, xử lý các vấn đề trên biểncông tác đối ngoại quốc phòng trên hướng biển. Chuẩn bị toàn diện về tư tưởng, lực lượng, phương tiện, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất; xử lý kịp thời, không để bị bất ngờ; giữ vững mối quan hệ hữu nghị với các nước, nhất là các nước trong khu vực. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại quân sự, nhất là với Hải quân các nước truyền thống, các nước láng giềng và trong khu vực; chủ động hợp tác tuần tra chung với các nước trong khu vực, xây dựng vùng biển hoà bình, ổn định, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Hai là, tập trung xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân chủng. Tiếp tục bồi dưỡng nâng cao lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho cán bộ, chiến sĩ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng chiến đấu, kiên quyết đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, “phi chính trị hoᔠquân đội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch. Trong bất cứ hoàn cảnh nào Hải quân nhân dân Việt Nam cũng luôn tỏ rõ lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; phải làm hết sức mình, dù có phải hy sinh tính mạng để giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

    Ba là, phát huy sức mạnh tổng hợp, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, khu vực phòng thủ và thế trận chiến tranh nhân dân trên biển vững chắc, trong đó Hải quân nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt. Chủ động nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, đề xuất phương án, cách đánh phù hợp với sự phát triển của vũ khí trang bị kỹ thuật và đối tượng tác chiến. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, thông tin trong quản lý, chỉ huy, điều hành tác chiến. Chủ động hiệp đồng chặt chẽ giữa Hải quân với cấp ủy, chính quyền và lực lượng vũ trang địa phương, các lực lượng quản lý, bảo vệ và khai thác tài nguyên trên biển, huy động lực lượng, phương tiện đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bốn là, đổi mới nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, nâng cao khả năng quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; huấn luyện theo đúng phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến trường; huấn luyện hiệp đồng, chỉ thị mục tiêu, sát phương án; huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật, phương pháp thả và rà phá thủy lôi, bom mìn, chống chìm, chống cháy, chống đâm va, mắc cạn tàu, thuyền, cứu hộ, cứu nạn và phòng ngừa tai nạn...; huấn luyện kỹ thuật cơ bản, vững chắc về chiến thuật; huấn luyện xử lý các tình huống, trong điều kiện thời tiết phức tạp; chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang và các địa phương xử lý kịp thời, chính xác mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.

Năm là, tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng của Quân chủng Hải quân; truyền thống của đơn vị và những bài học quý báu trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải phóng dân tộc, trong thời kỳ mới, nhất là những kinh nghiệm xương máu trong chiến thắng trận đầu; nghiên cứu các bài học lịch sử được đúc rút ra từ kinh nghiệm trong chiến tranh để chuẩn bị thế trận chiến tranh nhân dân trên biển, kế thừa, phát huy hơn nữa nghệ thuật quân sự và truyền thống đánh giặc của dân tộc trong điều kiện mới; xây dựng phương án, cách đánh độc đáo có hiệu quả nhất phù hợp với đối tượng tác chiến và điều kiện cụ thể của Hải quân Việt Nam, nhằm xây dựng củng cố kho tàng nghệ thuật quân sự Hải quân nhân dân Việt Nam trong chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

          Sáu là, làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm phát triển tiềm lực khoa học công nghệ, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo trong nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, ứng dụng công nghệ, cải tiến VKTBKT. Làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; tiếp nhận và làm chủ vũ khí, trang bị mới hiện đại; chủ động nắm bắt các thành tựu khoa học - công nghệ mới để nghiên cứu cải tiến, sáng chế, ứng dụng; thực hiện tốt cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”.

Bảy là, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng biển, đảo. Chủ động quan hệ chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động, giúp đỡ nhân dân xóa đói giảm nghèo, phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ ngư dân, xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững chắc. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” và Hoạt động “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”, góp phần làm sáng đẹp hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” thời kỳ mới.

Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu, cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng hãy đoàn kết một lòng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, thử thách để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao; góp phần xây dựng HQND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; tiếp tục tô thắm truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng; m­ưu trí sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”; xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và niềm tin yêu của nhân dân cả nước dành cho Bộ đội Hải quân./.

                CỤC CHÍNH TRỊ HẢI QUÂN

                                                                            (Biên soạn)



[1] Tàu Ma-đốc hạ thuỷ vào năm 1944, tàu dài 144,8m, rộng 12,4m, mớn nước 5,8m. Lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.200 tấn, chở đầy 3.320 tấn, tốc độ từ 33 - 35 hải lý/giờ, quân số trên tàu 247 tên. Trang bị vũ khí gồm 03 bệ 127 mm/2 nòng, 02 bệ phóng bom, 02 giàn phóng ngư lôi chống ngầm MK-32, mỗi giàn 03 ống. Ngoài ra trên mặt boong còn có nhiều bệ pháo 20mm vừa bắn đối không vừa bắn đối hải là loại vũ khí uy hiếp lớn nhất khi tàu phóng lôi tiếp cận đến cự ly phóng lôi. Ra đa của Tàu khu trục Ma-đốc có thể phát hiện tàu phóng lôi nhỏ ở cự ly từ 10 - 14 hải lý. Các giàn bom trên tàu khu trục vừa để đánh tàu ngầm, vừa có thể dùng để đánh phá các quả ngư lôi tiến vào tàu.

[2] Tiểu đoàn 135 là lực lượng chiến đấu trực thuộc Quân chủng, mọi hoạt động và thực hiện nhiệm vụ tác chiến do Bộ Tư lệnh và Sở chỉ huy Quân chủng trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo.

[3] Phân đội 3 gồm 3 Tàu 333, 336, 339 do đồng chí Đại tá Lê Duy Khoái là Đoàn trưởng 135 trực tiếp chỉ huy, đồng chí Trung uý Nguyễn Xuân Bột Phân đội trưởng, đồng chí Trung uý Mai Bá Xây là Chính trị viên của phân đội. 
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
521084