KHÁI QUÁT VỀ ĐỊA LÝ, ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ
TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ, VĂN HÓA
I. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên
Hoằng Trường là xã đồng bằng ven biển thuộc phía Đông Bắc huyện Hoằng Hóa, cách trung tâm huyện khoảng 15km, thuộc tọa độ 19,50 vĩ Bắc, 105,40 kinh Đông. Phía Tây giáp xã Hoằng Yến, phía Nam và Tây Nam giáp xã Hoằng Hải, phía Đông là biển Đông, phía Bắc có sông Lạch Trường là ranh giới với huyện Hậu Lộc. Hiện nay, dân số của Hoằng Trường là 2.679 hộ, với 10.942 khẩu1.
Hiện nay, xã có 9 thôn, với tổng diện tích tự nhiên là 598,85ha, trong đó: đất sản xuất nông nghiệp là 181,84ha, đất lâm nghiệp là 149,56ha, đất chuyên dùng là 132,39ha, đất đồi núi, bãi biển là 52,68ha, đất thổ cư là 68,26ha, còn lại là các loại đất khác, có đường bờ biển dài 4,9km, đường ven sông dài 2,1km.
Là xã đồng bằng ven biển nhưng địa hình Hoằng Trường bị chia cắt. Với đặc trưng nằm trên dải đất cát ven biển, vùng mép biển là những dải cồn cát lượn sóng, làm thành một hàng rào chạy song song mép biển, chủ yếu trồng các cây cỏ cứng và cây phi lao chắn cát. Bên trong là dải đất trũng, hẹp, thấp hơn dải cồn cát, có thể trồng các loại cây khoai lang, vừng, lạc, dâu, rau màu... Khu vực gần chân dãy núi Linh Trường có nguồn nước ngầm lớn, địa hình thấp hơn, có thể canh tác trồng lúa nước. Đất ở đây chủ yếu do quá trình bồi tụ cát của luồng hải lưu bởi các mũi phù sa của sông Hồng và sông Mã, kết hợp với phù sa do sông Lạch Trường (vốn là sông Mã trước kia) kết hợp với thủy triều vùng cửa sông bồi đắp hàng nghìn năm tạo thành.
Sông Lạch Trường chảy qua phía Bắc xã với chiều dài khoảng 2,1km, có đò ngang Y Vích sang huyện Hậu Lộc, phong cảnh nên thơ, nên nhân dân ở đây có câu thơ rằng:
'"Quê em ở đất Hà Rò
Có ăn lang bột sang đò cùng em".
Trước khi đổ ra biển, sông Lạch Trường đã tạo thành vùng cửa sông rộng tới 300m, bằng phẳng, là nơi thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, neo đậu tàu thuyền cho những chuyến ra khơi dài ngày. Năm 1470, Lê Thánh Tông du tuần tại đây đã có thơ đề Linh Trường Hải khẩu (cửa biển Lạch Trường) và bài tựa có đoạn: Bên cạnh núi là biển, núi xanh cao vút, hình núi dị kỳ đứng sững ở cửa biển, chân núi có động sâu thẳm không cùng, tương truyền đấy là miệng rồng, ngoài cửa động có viên đá như hình cái mũi, tương truyền đấy là mũi rồng, dưới núi mọc lên một viên đá tròn nhẵn, tương truyền đấy là hạt ngọc, đá lớn lô nhô rất nhiều hình thái, chỗ thưa, chỗ dày, không thể đếm được, tương truyền đấy là râu rồng. Ngày nay, trên vùng cửa sông đã cho xây dựng Cảng cá Lạch Trường và có các nhà máy chế biến hải sản xuất khẩu.
Dọc theo phía Tây, có dãy núi Linh Trường tiếp nối với núi Kim Chuế thuộc xã Hoằng Yến, đỉnh có độ cao nhất khoảng 205m kéo dài đến Mũi Hòn Bò (trên bản đồ gọi là Gò Ba Quan), có thể thấy nhấp nhô trong sóng bạc, một ngọn lớn nổi lên giống như một mũi giày mà Bản đồ địa lý Việt Nam gọi là Mũi Hài (Hài Tỵ phong), nhìn xa có thể thấy Hòn Nẹ, thuộc huyện Hậu Lộc đang án ngữ ngay giữa vùng cửa sông như một tiền đồn quan trọng. Nơi đây vừa có vị trí chiến lược quân sự quan trọng, vừa có trữ lượng mỏ khoáng sản và là nơi thuận lợi để trồng và khai thác lâm sản.
Cùng với đó, dọc phía Đông xã là 4,9km bờ biển, có bãi cát dài, trắng mịn, nơi có cửa sông Lạch Trường rộng rãi, thoáng đãng, có lợi thế lớn trong nuôi trồng thủy sản, nhất là các loại nhuyễn thể như ngao, vẹm, lại có núi Linh Trường, núi Hòn Bò soi bóng, tạo ra cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, nơi gắn liền với những chiến tích chói lọi qua các thời kỳ lịch sử còn khắc ghi đậm nét trong mỗi địa danh, dấu mốc. Vì vậy, bờ biển Hoằng Trường vừa có thể khai thác phát triển dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng cao cấp gắn liền với tham quan các địa danh, di tích văn hóa lịch sử.
Hoằng Trường nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, thông thường có 2 hướng gió chính là gió mùa Đông Nam vào mùa hạ và gió mùa Đông Bắc vào mùa đông, ngoài ra hằng năm có xuất hiện những đợt gió Tây Nam (gió Lào) khô nóng. Những tháng có nhiệt độ cao là từ tháng 5 đến tháng 7, bình quân từ 27 - 370C, thường xuyên xuất hiện các cơn bão lớn, nhiều trận cuồng phong của thiên nhiên đã quét qua nơi này còn ghi lại đậm nét trong ký ức những người con nơi đây. Những tháng có nhiệt độ thấp là từ tháng 11 đến tháng 02 năm sau, bình quân từ 16 - 220C. Mùa hạ nhiệt lượng cao, song do ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu Đại dương vùng ven biển nên đã tạo cho nơi đây môi trường thoáng mát, con người khỏe mạnh, bốn mùa cây cối tốt tươi, cảnh vật hiền hòa đẹp đẽ. Núi Linh Trường, Hòn Bò, bãi biển dài, bằng phẳng kết hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, Hoằng Trường có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch biển, góp phần đem lại chuyển biến lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Là xã bãi ngang ven biển nên đất đai trên địa bàn xã chủ yếu là đất cát pha, độ phì ít, điều kiện tưới tiêu không chủ động, hệ thống tưới hầu như không có, hệ thống tiêu tuy đã chủ động khắc phục nhiều nhưng chủ yếu là hệ thống mương máng đào đắp thô sơ trên nền đất cát, hằng năm công nạo vét tốn kém lại phụ thuộc vào thủy triều, những lúc triều cường nước biển xâm nhập gây nhiễm mặn. Chịu ảnh hưởng của nắng nhiều, đất bị khô hạn, mưa nhiều bị úng cục bộ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Bởi vậy, diện tích trồng lúa khá hạn chế lại chịu ảnh hưởng mạnh của thời tiết và địa hình nên chỉ gieo trồng được 1 vụ trong năm. Diện tích đất cát pha và cồn cát chủ yếu được sử dụng để trồng cây màu và trồng rừng chắn cát, rừng phòng hộ.
Hoằng Trường có vị trí giao thông quan trọng và thuận tiện. Về đường bộ, có đường Tỉnh lộ 510B chạy dọc địa bàn xã theo hướng Bắc - Nam với gần 5km song song với đường bờ biển. Về đường thủy, có sông và cửa sông Lạch Trường chảy qua xã với chiều dài khoảng 2,1km, có bến đò Y Vích sang huyện Hậu Lộc, nối Hoằng Hóa với các địa phương, nhất là trước đây khi giao thông đường thủy thịnh hành, vùng cửa sông Lạch Trường là đầu mối giao thương quan trọng không chỉ trong nước mà còn với thế giới, thuyền bè từ Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và Ấn Độ đã từng qua đây trao đổi, buôn bán khá sầm uất, trên cửa sông có Cảng cá Lạch Trường. Sử cũ còn ghi lại cảnh buôn bán tấp nập thời Lý trên vùng cửa sông Lạch Trường. Trong cuốn An Nam tức sự đã ghi lại cảnh tượng sầm uất của thương cảng này: "Các phiên thuyền ở hải ngoại tụ tập ở đấy, họp chợ ngay trên thuyền rất đông thật là một thị trấn lớn". Do đó, nơi đây có những thuận lợi rất cơ bản trong giao lưu, trao đổi buôn bán cũng như trong dịch vụ hàng hải. Đây là điều kiện để giao lưu phát triển kinh tế và văn hóa - xã hội với các địa phương lân cận và cả nước. Đặc biệt, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, nhân dân xã Hoằng Trường đã và đang phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có, cùng nhân dân cả nước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Như vậy, về điều kiện tự nhiên, Hoằng Trường là xã có núi, có sông, có đồng, có biển, có đường giao thông thuận tiện. Song, cũng phải thấy rằng điều kiện tự nhiên của xã còn có những khó khăn cơ bản, nhất là trong buổi đầu con người mới khai cơ lập nghiệp, việc sản xuất lương thực rất khó khăn do ít đất phù sa, lại khó làm thủy lợi, chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, lụt hằng năm. Phát huy những thuận lợi và từng bước khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên luôn là động lực và khát khao trong mỗi người dân nơi đây, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nỗ lực vươn lên lập nên những chiến công, góp phần tạo nên những đặc điểm và truyền thống của con người Hoằng Trường.
II. Quá trình hình thành làng xã và truyền thống lịch sử, văn hóa
1. Quá trình hình thành làng xã
Căn cứ vào một số thư tịch cổ còn sót lại, cư dân đến Hoằng Trường trú ngụ, sinh sống, lập nghiệp dọc theo sông Lạch Trường từ khá sớm, hình thành những cộng đồng dân cư với các tên gọi như: Linh Trường trang, Tam Lâm phường (làng Man, làng Nại). Theo nhiều tài liệu lịch sử và khảo cổ học thì sau Công nguyên từ thế kỷ I đến thế kỷ X, vùng duyên hải Hoằng Hóa còn là vùng đất hoang vu, rậm rạp... Đến thời Lý (thế kỷ XI), mới có các nhóm cư dân đầu tiên đến khai phá. Qua nhiều cuộc kháng chiến của các triều đình phong kiến với giặc ngoại xâm từ phương Bắc, phương Nam diễn ra ở hai cửa lạch thì cư dân được tụ tập dần. Đến thời Trần (thế kỷ XIII), khi chế độ điền trang thái ấp bị khủng hoảng, nhiều cư dân ngoài Bắc di cư vào Thanh Hóa, Nghệ An sinh sống, đã đến đây khai phá. Nơi này đã chứng kiến tướng Lê Quý Ly (tức Hồ Quý Ly) dẫn thủy quân đại phá, chiến thắng quân Chiêm Thành, do vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga thống lĩnh trên sông Ngu, một nhánh của sông Mã tức là sông Lạch Trường ngày nay1. Thời nhà Hồ, sau khi bị giặc Minh xâm lược, một số con cháu họ Hồ về đây "mai danh ẩn tích". Thời Lê Sơ (thế kỷ XV), có nhắc đến việc những lần vua Lê Thánh Tông đã có lần tới du ngoạn qua đây, còn để lại nhiều câu nói về vùng cửa sông Lạch Trường.
Tương truyền rằng: Ngày xưa tại làng Man có một người con gái nết na sinh đẹp, hiền thục. Tiếng lành đồn xa, sắc đẹp và sự hiền thục của cô đến tai nhà vua, ngưỡng mộ sắc đẹp của cô, vua đã ngự giá về làng, khi đến làng nhà vua đã bị sắc đẹp và sự hiền dịu của cô làm cho say lòng, vua vời cô về kinh và ban cho dân làng Man một ân điển là hằng năm nhân dân trong làng đều được bổng lộc vua ban, từ đó đời sống của nhân dân trong làng được khấm khá, ấm no.
Như vậy, có thể khẳng định, từ khoảng cuối thế kỷ X, trên vùng đất ven biển Hoằng Hóa, con người đã đến đây khai cơ, lập nghiệp, hình thành các cộng đồng dân cư.
Qua gia phả họ Phạm gắn liền với Đền thờ Phạm Vấn - Phạm Cuống cho thấy, vào thế kỷ XVII, trên vùng đất này sau cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc giữa Định Quận Công và con trai là Phạm Cảnh Phúc trong lần đem quân đánh Mạc Kính Điển lẩn trốn tại dãy núi Linh Trường, thấy được thế đất, núi, sông sơn thủy hữu tình, Định Quận Công xin nhà vua cho con trai là Phạm Cảnh Phúc về vùng đất này định cư, năm Lê Hiển Tông thứ 42, ông cho đổi tên vùng đất này là Ngọc Lâm, thuộc tổng Kim Chuế. Về sau, các thế hệ con cháu họ Phạm về đây khai phá, lập làng và tọa dựng nhà thờ để tưởng nhớ đến các liệt tổ, liệt tông. Như vậy, đến thế kỷ XVII, các cư dân về đây sinh sống đã tương đối đông đúc, thành lập ra các xóm, làng.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, các làng của Hoằng Trường thuộc tổng Ngọc Chuế, gồm các làng: Thượng, Đọ, Mang, Hải, Ngào, Nại, Mỹ Khê, Cồn Đình, Văn Phong. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, các đơn vị hành chính làng, tổng vẫn giữ nguyên. Tháng 4/1946, sau bầu cử Hội đồng nhân dân và thành lập Ủy ban hành chính các cấp, cấp tổng bị giải thể, các đơn vị hành chính cấp xã được thành lập, toàn huyện có 54 xã mới, tổng Ngọc Chuế giải thể thành lập 6 xã, các làng của Hoằng Trường gồm các thôn Hải Thanh, Phúc Ngư, Ngọc Lĩnh, làng Cồn Đình (đầu sông) cùng với xã Hoằng Hải ngày nay thuộc xã Trường Sơn.
Đầu năm 1947, bước vào thời kỳ toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, theo chủ trương của tỉnh, huyện Hoằng Hóa sáp nhập các đơn vị hành chính, từ 54 xã thành 12 xã lớn, theo đó 6 xã vùng biển nhập lại thành 2 xã lớn: xã Hoằng Yến (là các xã ở nửa phía Bắc) và xã Hoằng Thanh (là các xã ở nửa phía Nam). Khi đó, các làng của Hoằng Trường cùng với Hoằng Hải, Hoằng Yến và một số làng của Hoằng Tiến thuộc xã Hoằng Yến (lớn).
Năm 1949, thực hiện chủ trương giảm tô, các xã miền biển từ hai xã được chia lại thành 3 xã: Hoằng Yến, Hoằng Tiến và Hoằng Thanh. Lúc này các làng của Hoằng Trường vẫn thuộc xã Hoằng Yến (lớn).
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, hòa bình lập lại ở miền Bắc, thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất, tháng 6/1954, xã Hoằng Yến (lớn) được chia thành 2 xã là Hoằng Yến và Hoằng Hải, Hoằng Trường lúc này gồm 4 thôn, làng là: Ngọc Lĩnh, Phúc Ngư, Hải Thanh, Cát Tường thuộc xã Hoằng Hải.
Tháng 8/1956, cùng với công cuộc sửa sai sau cải cách ruộng đất, thực hiện chủ trương cấp trên, xã Hoằng Hải được chia tách thành 2 xã là Hoằng Hải và Hoằng Trường. Các thôn, làng của xã Hoằng Trường gồm: Làng Thượng (Ngọc Lĩnh), Văn Phong, Ngọc Lâm, Hải Châu, Yên Nội, Mỹ Khê, làng Ngào, làng Cồn Đình. Trong thời kỳ xây dựng các hợp tác xã và chia thành các đội sản xuất, Hoằng Trường chia thành 12 xóm theo thứ tự từ xóm 12 đến xóm 23.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về đổi mới các mô hình hợp tác xã sang mô hình thôn cho phù hợp với các mô hình phát triển kinh tế ở nông thôn, từ tháng 11/1992, đơn vị hành chính của xã tổ chức thành 10 thôn theo địa bàn dân cư gồm từ thôn 1 đến thôn 6 và các thôn: Thành Xuân, Hải Sơn, Liên Minh và Giang Sơn. Năm 2008, thôn Giang Sơn tách thành 2 thôn Linh Trường và Giang Sơn. Lúc này Hoằng Trường có 11 thôn.
Năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, Hoằng Trường đã tiến hành sáp nhập một số thôn. Hiện nay, toàn xã có 9 thôn gồm: Thôn 1, thôn 4 và các thôn Văn Phong, Đại Trường, Thành Xuân, Hải Sơn, Linh Trường, Liên Minh, Giang Sơn.
2. Truyền thống lịch sử, văn hóa
Quá trình cải tạo tự nhiên, lao động sản xuất, làm thủy lợi, chống hạn, ngăn lũ, khai phá đất đai và chống giặc ngoại xâm đã hun đúc nên những giá trị tốt đẹp và cốt cách của con người Hoằng Trường, góp phần tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần phong phú, góp phần tạo nên truyền thống rất đỗi tự hào của người dân nơi đây.
Với truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, tự lực, tự cường, thắng giặc, đương đầu với sóng gió vươn lên. Là xã ven biển, sát mép nước, lại tiếp giáp với cửa sông, con người ở đây cần cù, dũng cảm, có những làng nghề truyền thống khéo léo, tiếp thu nhanh nhạy những cái hay cái mới đó là thuận lợi lớn.
Từ xa xưa nhân dân Hoằng Trường đã có hai nghề sinh sống chính là: Nghề khai thác cá biển và nghề làm nông nghiệp, những buổi đầu hình thành phương thức sản xuất thô sơ, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, gặp năm mưa thuận gió hòa thì mùa tôm cá, ngô khoai, gặp những năm bất lợi thì dịch bệnh, mất mùa, những trận cuồng phong nhấn chìm tàu thuyền cướp đi sinh mạng của ngư dân, đời sống nhân dân thêm khốn khó. Tương truyền rằng những lúc xảy ra thiên tai, dịch họa như vậy là do thần nhân quở trách dân làng như những điều trách phạt. Từ đó nhân dân trong làng, trong xã đã cùng nhau lập đàn tế lễ Cầu An - Cầu Ngư, nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân các bậc tiền nhân đã góp công xây dựng làng, xóm, gây dựng nghề biển, thể hiện tinh thần tôn thờ thần phật. Để cầu cho quốc thái dân an, trời yên biển lặng, cầu cho ngư dân đi biển được mùa bội thu. Từ đó đến nay cứ hằng năm vào trung tuần tháng hai âm lịch, nhân dân trong xã lại lập đàn tế lễ Cầu An - Cầu Ngư. Lễ hội là dịp để nhân dân trong xã biểu thị lòng thành kính lên các vị thần nhân, tiên thánh. Từ đó đến nay, Lễ hội Cần An - Cầu Ngư trở thành lễ hội quan trọng của nhân dân trong xã.
Là một xã thuộc vùng sản xuất nông nghiệp nhưng ruộng đất ít, bình quân đầu người từng thời kỳ dưới 500m2, đất bạc màu, việc tưới tiêu phụ thuộc, tập quán canh tác chính là cây lúa và cây khoai lang, kỹ thuật canh nông, năng suất, sản lượng cây trồng thấp, thực tế mức sống dựa vào trồng trọt, chăn nuôi chỉ xấp xỉ 50%, ngày tháng còn lại hằng năm dựa vào nghề sản xuất cá biển, bến sông, làm thuê để sinh sống, từ xa xưa đã truyền lại là "Vùng dân đánh cá đổi gạo".
Trong sản xuất nông nghiệp, từ tập quán chuyên trồng cây lúa, cây khoai lang, nhân dân dần đưa những cây màu có giá trị kinh tế cao như cây lạc, vừng, đậu đỗ, cây ngô, các loại rau màu vào sản xuất, sản lượng lương thực được tăng dần theo năng suất giống và kỹ thuật mới. Toàn xã từ chỗ thiếu lương thực từ 5 đến 7 tháng hằng năm tiến tới rút thấp dần diện thiếu ăn. Một số thôn, làng phấn đấu chủ động được lương thực như làng Ngọc Lĩnh, các làng khác trong xã đều nâng số hộ chủ động lương thực lên 70 đến 80%.
Nghề sản xuất cá biển có truyền thống lâu đời, từ chỗ phương tiện thô sơ lạc hậu chỉ bằng chiếc mảng luồng, buồm vải sồi nhuộm nâu, chiếc dầm tay, mấy cheo lưới bằng sợi gai nhuộm nâu, nhuộm trứng vịt, chiếc dã xiếc tơ, dã tôm sợi gai, đánh bắt quanh gần bờ khi gặp dông bão đột xuất không về kịp thường xảy ra tai nạn gây thiệt hại về người, tài sản, phương tiện, đột xuất như cơn bão gây thiệt hại lớn cho ngư dân làng Cồn Đình những năm 40 của thế kỷ XX.
Qua kinh nghiệm thực tế và học hỏi, tiếp thu bên ngoài dần dần phát triển thêm nghề mới có thu nhập cao như: nghề lưới rê thu, lưới cá trích, câu cá giống, cá mu, cá dưa, cá bè, cá sủ, cá nghéo, cá sòng... Qua lao động sản xuất, xuất hiện nhiều làng nghề và chủ ngư mát tay đánh bắt thu sản lượng cao thành truyền thống và chuyển giao kinh nghiệm cho các thế hệ con cháu về sau giữ gìn, phát huy và đổi mới; làng Hải Châu, Yên Nội, Văn Phong thạo nghề lưới rê, lưới trích, dã tôm moi, các loại câu; làng Ngọc Lâm, Mỹ Khê thạo nghề lưới rê, lưới dở cữ 3cm; làng Ngào thạo nghề lưới rê, câu răng, câu giống; làng Cồn Đình thạo nghề te bẩy, thả chà, lặn hầu quéo; làng Ngọc Lĩnh thạo nghề lưới cua và các làng đều có nghề thợ mộc, xẻ, thợ xây, nghề chăn tằm ươm tơ, se gai, đan lưới.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từng bước có chủ trương của Đảng khôi phục và phát triển kinh tế, nhờ đó mà nghề sản xuất cá biển của xã cũng được đầu tư và phát triển. Từ năm 1960 đến năm 1976, hình thành các hợp tác xã ngư nghiệp, hợp tác xã liên hiệp đầu tư đóng thuyền gỗ, tàu đánh cá vươn khơi cho làng Cồn Đình, Hải Châu, tiến tới thành lập các hợp tác xã nghề cá, đóng thuyền công suất từ 37 đến 45CV để kéo dã đôi, đánh vó vây. Ngư lưới cụ được đầu tư, cải tiến, sản lượng, thu nhập tăng, đặc biệt là sản lượng ngư sản xuất khẩu có giá trị kinh tế như: tôm, cua, mực, cá thu, cá ngàng, cá hồng, cá mú. Nổi bật là giai đoạn từ những năm 90 của thế kỷ đến nay, nghề lưới xù xanh, lưới lưỡng được phát triển, toàn xã có hơn 100 tàu thuyền có công suất máy từ 25 đến 350CV vươn khơi đánh bắt cá ngàng, cá nhám, cá dưa, cá lưỡng, cá mối, cá mú, câu mực, đánh mành vây, mành chụp, nhiều tàu thuyền đạt sản lượng hàng chục tấn, trị giá hàng trăm triệu đồng một kênh đi biển.
Đi đôi với việc đánh bắt hải sản, nghề dịch vụ chế biến, nuôi trồng hải sản cũng được phát triển và mạnh dạn đầu tư quy hoạch theo quy mô từ nhỏ đến lớn như: thả đá nuôi hàu, quéo, khoanh vây nuôi ngao, nuôi phi, cải tạo ao đìa tự nhiên nuôi tôm, cua, cá mú, cá vược, nuôi ghẹ, nuôi tôm trên cát; chế biến sứa, cá, mực, moi khô làm mắm chượp. Ngoài ra, còn phát huy nghề truyền thống để hỗ trợ lúc nông nhàn như nghề nạy hàu đá, cào ngao, ron, dắt, kéo rùng cũng góp phần cải thiện bữa ăn thanh đạm vùng quê, đồng thời làm hàng hóa trao đổi tăng thêm thu nhập cho hộ dân.
"Bé ru em ngủ cho lâu
Để mẹ đi kiếm con hàu con cua
Đem về nấu bát canh chua
Chắc vui lòng khách, lại vừa lòng ta".
Nghề sản xuất cá biển truyền thống là sở trường của 55% số dân toàn xã, nhưng đang ở dạng thủ công và cơ giới nhỏ, chủ yếu đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp, sản phẩm xuất khẩu có giá trị kinh tế chưa cao. Nghề nuôi trồng, chế biến hải sản tuy đã tiếp cận có hiệu quả ban đầu nhưng kinh nghiệm và quy mô còn hạn chế. Điều khó khăn hơn cả, xã Hoằng Trường là một trong những xã có mật độ dân số cao so với nhiều xã khác trong huyện, trong tỉnh nên việc giải quyết công ăn việc làm cho người đến tuổi lao động còn gặp nhiều khó khăn.
Nghề dịch vụ lưu thông cũng được duy trì phát triển theo cơ chế mới phục vụ nhu cầu trong xã, các xã bạn, huyện bạn, trong tỉnh và mở rộng với thị trường quốc tế, nhờ đó chẳng những tạo sự thông thoáng hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, tạo ra sự kích cầu thúc đẩy sản xuất phát triển cùng có lợi mà còn là sự hòa đồng học hỏi kinh nghiệm làm ăn, thanh loại những biểu hiện độc quyền làm ăn bất chính. Phát huy nghề biển, việc chế tạo, cải tiến công cụ như bè mảng, tận dụng cây gai trong vườn chắp gai đan lưới, làm câu để khai thác cá lộng đem lại hiệu quả kinh tế, làm cho cuộc sống ổn định từng bước đi lên, về Hoằng Trường còn được nghe câu ca:
"Hãy về làng Nại với anh
Chấp gai đan lưới cho thanh con người".
Con người Hoằng Trường cần cù chịu khó, thủy chung mến khách, việc giữ gìn, tôn tạo phát huy bản sắc, truyền thống làng xã, dòng họ với việc xây dựng cuộc sống văn hóa mới ở khu dân cư luôn được Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong xã tôn trọng và thực hiện tốt, là một xã trong huyện Hoằng Hóa có đầy đủ các "Duyên cách lịch sử".
Truyền thống giữ gìn bản sắc văn hóa
Nhân dân Hoằng Trường đi đôi với việc xây dựng, bảo vệ quê hương đã sớm và từng bước ý thức được việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trình độ dân trí từng bước được nâng lên, điều kiện giao thông, lượng thông tin được mở rộng nên việc tiếp thu tri thức văn hóa mới có chọn lọc, nhanh nhạy và phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội.
Các thôn, làng của Hoằng Trường xưa đều có các công trình tín ngưỡng như đình, đền, chùa, nghè, phủ... tiêu biểu là đền thờ Phạm Vấn - Phạm Cuống, phủ Eo, đền Ba Quan, chùa Bụt. Các nghè có nghè làng Đọ, làng Văn Phong, nghè làng Nại, nghè Hải Châu, nghè làng Thượng (Ngọc Lĩnh), nghè Đỏ (Hải Châu), làng Yên Nội thờ các vị Quận công đã có công lúc bấy giờ. Mỗi nghè đều giữ được nét lễ nghè, như tổ chức rước kiệu Bát Cống Long Đình cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Các làng có nhiều chùa như: Chùa Cồn Đình, chùa Am, chùa Bụt thờ thần, hằng năm đến ngày 03/3 âm lịch thường mở hội thi đỗ hành, chánh đồng, quan phó chánh đồng đầm là những chức sắc đứng đầu, người có công với làng, chùa. Về phủ thì có phủ Eo, phủ Làng Hải thờ người có chức sắc được vua ban.
Đình làng và tục lệ làng chỉ dùng khi tế lễ vào dịp mùa màng bội thu, dân làng sum họp hay phê phán những kẻ làm nhác xâm phạm tài sản của người khác. Đình làng1 là nơi tụ hội văn hóa làng, 51 tuổi hàng Phúc, 61 tuổi hàng Thọ, 70 tuổi Thượng thọ, các cụ trong làng tham gia bàn việc mưu sinh của làng. Qua nhiều thế hệ, nhiều làng đã xây dựng và giữ gìn được các đình làng như: Đình làng Văn Phong, đình làng Nại.
Đình làng, sân đình là nơi hội họp của làng, cây đa, giếng nước - nơi hò hẹn của lứa đôi. Giếng làng là nơi dân làng lấy nước sạch dùng cho sinh hoạt, khi hạn hán kéo dài đến cạn giếng mà phải vét là trời sẽ mưa, nên dân làng xưa mới có lễ cầu mưa tại giếng làng Văn Phong là vậy, hiện nay làng Văn Phong vẫn còn giếng làng.
Trong các di tích còn lại hiện nay, nổi bật nhất là Di tích đền thờ Phạm Cuống - Phạm Vấn, nơi thờ tự hai nhân vật được xếp vào khai quốc công thần nhà Lê Sơ. Theo gia phả họ Phạm bằng chữ Hán hiện đang lưu giữ cho biết, hai nhân vật họ Phạm được thờ tại đây từng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những ngày đầu, lập nhiều công trạng, được vua Lê Lợi phong tặng tước: Thái úy kiên nghĩa Đoan Nhã Hầu - Húy Phát Giá Thụy Trung Chính, cùng vợ được tặng Trinh Đoan Mỹ Lộc phu nhân.
Đến đời cháu thứ 3 của Phạm Cuống, Định Quận Công và con trai là Phạm Cảnh Phúc trong lần đem quân đánh Mạc Kính Điển đang lẩn trốn tại dãy núi Linh Trường trong cuộc chiến tranh Trịnh - Mạc, thấy được thế đất, núi, sông sơn thủy hữu tình, Định Quận Công xin Vua cho con trai là Phạm Cảnh Phúc về vùng đất này định cư, năm Lê Hiển Tông thứ 42, ông cho đổi tên vùng đất này là Ngọc Lâm, thuộc tổng Kim Chuế. Ông mất ngày 15 tháng Giêng năm 1625, thọ 78 tuổi. Đền thờ hiện nay là do các thế hệ con cháu họ Phạm về đây khai phá, lập làng và tọa dựng để tưởng nhớ đến các liệt tổ, liệt tông. Nhà thờ được xây dựng khoảng năm 1804, năm Gia Long thứ 4; được trùng tu vào các năm 1961, năm 2000, năm 2008, năm 2010 và năm 2015. Đến nay, đền thờ đã trở thành trung tâm sinh hoạt cộng đồng, nơi thể hiện tín ngưỡng thờ phụng, tôn trọng thần linh, tưởng nhớ công đức của những người có công với làng, với nước.
Tọa lạc ngay tại chân núi Hòn Bò có đền Ba Quan, theo tín ngưỡng nhân dân ở đây thờ thần núi, thần biển và trong đền còn thờ Thần Cá Ông để cầu cho ngư dân và tàu bè qua lại vùng cửa biển Lạch Trường được bình yên. Hiện nay, đền thờ đã trở thành nơi tâm linh của nhân dân trong xã và các vùng phụ cận đến lễ cầu, ban cho ngư dân khai thác được mùa tôm, cá, những chuyến đi khơi bình yên. Những năm trước đây, đền thờ bị chiến tranh và thiên nhiên tàn phá nên xuống cấp, những dấu vết cổ xưa không còn nữa. Năm 2019, với nguồn đóng góp của nhân dân, sự quan tâm của các cấp chính quyền, đền thờ được xây dựng mới trên nền dấu tích cũ để ngư dân và du khách thập phương về lễ cầu cho trời yên, biển lặng, tôm cá đầy thuyền, trời yên, biển lặng, tàu bè qua lại bình yên.
Từ xưa, các tục lệ của làng, những nét văn hóa sinh hoạt của nhân dân chủ yếu là các tục như hội làng, tế lễ của nghè và các đình làng hội uân. Hằng năm, các thôn, làng đều tổ chức lễ hội, trong lễ hội xuân, ngày Tết vẫn thường duy trì nét văn hóa ẩm thực.
"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
Trò vui của làng xung quanh trò cờ bài được tổ chức rộng rãi mang tính vui xuân có cây đu, trèo cột, bài điếm (Tam cúc), những nét đẹp đó làng Ngọc Lĩnh hiện vẫn còn lưu giữ khi tiễn Tết vào mùng 4 âm lịch hằng năm. Làng Hải Thanh đến nay còn mở hội vật, cờ tướng (cờ tướng được xếp bằng người, nam nữ được xếp làm tướng cờ là những người tiêu biểu trong làng). Mùng 7 tháng Giêng hạ cây nêu. Ngày 15 tháng Giêng là lễ cầu phúc. Ngày 15 tháng 02 là lễ hội Cầu An - Cầu Ngư. Mùng 3 tháng 3 là tiết Thanh minh tảo mộ hội hè, nam thanh, nữ tú các làng yếm đào khăn xếp vui xuân, hát đối, hát giao duyên vào đêm trăng thanh, trời trong gió mát, cũng từ tục này mà các đôi nam nữ có điều kiện tìm hiểu nên vợ nên chồng, qua lễ hội bài trừ được sự ép buộc của xã hội phong kiến (cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy). Hằng năm, nếu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu thì lễ hội càng đông vui, góp phần khích lệ người dân sống trong cộng đồng vui tươi, nâng cao tình làng nghĩa xóm...
Qua các thời kỳ, về học vấn, xã chưa có danh nhân đỗ đạt danh sắc nổi tiếng, nhưng từng làng, từng dòng họ đã tôn vinh các vị thần làng, tổ tông để vọng thờ, tỏ lòng chiêm ngưỡng kính trọng của con cháu, cho toàn dân đồng thuận về lẽ sống và phẩm giá đạo đức làm người, cầu sự may mắn phát đạt trong sản xuất làm ăn. Từ đó mà các làng, dòng họ xây dựng quy ước, hương ước để duy trì, giữ gìn, điều chỉnh kỷ cương, luật lệ.
Trong xã các làng, các dòng họ đều coi trọng việc học hành để mở mang trí thức. Mặc dù là một xã thuộc vùng quê nghèo nhưng phong trào hiếu học, khuyến học đã được gây dựng từ lâu và có ý thức phát triển. Nhiều gia đình trong xã đã mời thầy đồ, thầy nho về nuôi cơm trong nhà để dạy chữ, dạy đạo hiếu, lễ tiết cho con cháu cùng nhân dân trong làng giúp mở mang tri thức, am hiểu lễ nghi khánh tiết đạo hiếu. Lớp lớp nhân dân qua các thế hệ cũng đã xác định được việc cần học, phải học để có hiểu biết, học để cống hiến phụng sự quê hương, đất nước, nhiều cụ đã trở thành ông đồ Nho, thầy giáo dạy chữ Hán Nôm, chữ Quốc ngữ, dạy về đạo lý làm người như: Nguyễn Hữu Tương và con trai là Nguyễn Hữu Tiêu, Lê Văn Hành, Lê Văn Thức, Vũ Bá Lô... Trong những năm gần đây, nhất là khi đất nước bước vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, cùng với sự khởi sắc của nền kinh tế và đời sống nhân dân, việc chăm lo, quan tâm học tập, nâng cao trình độ đã có nhiều chuyển biến quan trọng, nhiều gia đình đã chăm lo cho con em theo học những trường trọng điểm của huyện, của tỉnh. Nhiều người con của Hoằng Trường đã phát huy được khả năng, nỗ lực vươn lên, đạt những thành tích nổi bật trong học tập, lao động và công tác trên mọi lĩnh vực, góp phần công sức, trí tuệ làm giàu đẹp cho Tổ quốc.
Truyền thống yêu nước
Hoằng Trường là xã có vị trí chiến lược có bờ biển dài, có cửa sông, có núi cao nhô ra biển, đường giao thông thủy, bộ thuận tiện, địa thế trọng yếu về quân sự. Hướng Đông Bắc cách 5km có đảo Nẹ án ngữ. Vì thế khi cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông và bọn giặc phương Nam (đời Trần) diễn ra, cửa Lạch Trường là nơi diễn ra những trận quyết chiến khốc liệt. Nhân dân trong vùng đã làm bè mảng, chông nhọn ủng hộ và cùng quan quân triều đình đánh giặc. Dấu tích đó còn được thể hiện rõ nét tại Di tích đền thờ Phạm Vấn - Phạm Cuống, những khai quốc công thần nhà Lê Sơ, dòng dõi của ông gắn với chiến công đánh thắng Mạc Kính Điển tại vùng sông núi Linh Trường.
Truyền thống yêu nước của nhân dân Hoằng Trường còn vang mãi và tiếp thêm nghị lực cho các thế hệ con cháu mai sau, đặc biệt là những năm 60 của thế kỷ XX với chiến công Lạch Trường dậy sóng đương đầu với đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai âm mưu gây chiến tranh phá hoại ra miền Bắc nhằm ngăn chặn sự chi viện sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau khi chúng gây ra Sự kiện Vịnh Bắc Bộ ngày 02/8/1964, đến ngày 05/8/1964, Mỹ cho tàu chiến, máy bay phản lực xâm phạm vùng biển, vùng trời thuộc một số vị trí chiến lược miền Bắc, trong đó có Lạch Trường. Lực lượng dân quân xã phối hợp với lực lượng Hải quân, Công an nhân dân đã hợp đồng chiến đấu đánh đuổi khu trục hạm Ma-đốc của Hải quân Mỹ ra khỏi vùng biển của Tổ quốc, bắn rơi tại chỗ 2 máy bay phản lực của Mỹ, đập tan uy thế ban đầu mà đế quốc Mỹ thần tượng hóa cái gọi là "Sức mạnh của hải quân và không lực Hoa Kỳ", làm nên "Chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam", mà ngày nay Đài chiến thắng đã được xây dựng tại vùng cửa sông Lạch Trường là minh chứng hùng hồn về chiến công này.
Hoằng Trường đã phát huy cao độ đường lối chiến tranh nhân dân. Ngay từ những ngày đầu đế quốc Mỹ xâm phạm bầu trời, vùng biển miền Bắc, Trung đội Lão dân quân và Trung đội Nữ dân quân sớm được thành lập, huấn luyện và lập nên những chiến công hiển hách, vang dội, mỗi trung đội có 2 lần bắn rơi máy bay Mỹ; Trung đội dân quân pháo phòng hải 57 ly thành lập tại 2 hợp tác xã Liên Minh và Trường Thành thuộc thôn Cát Tường, đã phối hợp cùng đơn vị pháo bộ đội chủ lực bắn cháy khu trục hạm Mỹ. Với những chiến công vang dội đó, các trung đội đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng Ba, 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất, 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì...; được Bác Hồ 3 lần gửi thư khen Trung đội Lão dân quân, Trung đội Nữ dân quân và nhiều bằng khen. Đặc biệt, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Trung đội Lão dân quân năm 1970, cho nhân dân, cán bộ và lực lượng vũ trang xã Hoằng Trường năm 1999. Có 20 mẹ được phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 479 người được khen thưởng huân, huy chương các hạng, 619 người được tặng bằng khen của tỉnh, 173 người là liệt sĩ, 104 người là thương, bệnh binh, 23 người bị chất độc da cam. Chiến công của các lớp cha ông đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc đã tiêu biểu cho tinh thần tận trung với nước, tận hiếu với dân, tô đậm thêm truyền thống yêu nước của quê hương Hoằng Trường.
Có thể nói, với địa thế và tiềm năng của mình, xã Hoằng Trường được thiên nhiên ưu đãi có đồng bằng, sông, núi, lạch, biển hội tụ, được ví như một bức tranh sơn thủy hữu tình, song cũng là nơi phải chịu đựng sự khắc nghiệt của thiên nhiên, điểm xuất phát ban đầu còn thấp lại thường xuyên đương đầu với các cuộc chiến tranh vệ quốc tàn khốc, trải qua các thời kỳ lịch sử, lớp lớp con người Hoằng Trường, thế hệ sau kế thừa và phát triển những thành quả của thế hệ trước với khả năng lao động cần cù sáng tạo, tự lực tự cường, có tinh thần dũng cảm mưu trí trong đấu tranh chống ngoại xâm, đã có công tạo dựng nên vùng đất có nền sản xuất phù hợp, phong phú, có nhiều ngành nghề khéo léo. Những sự tích anh hùng của tập thể, cá nhân mãi mãi khắc ghi, ấp ủ trong lòng người, quê hương, sông núi và đó cũng là động lực thúc đẩy, động viên mọi tầng lớp nhân dân Hoằng Trường tiến lên lập nhiều chiến công trong thời kỳ đổi mới. Mảnh đất, con người và truyền thống lịch sử luôn hòa đồng làm nên một Hoằng Trường trong trang sử vẻ vang của dân tộc.
Thu Thủy -Trích LSĐB xã Hoằng Trường(TB 2020)
- Công khai tuần 2 tháng 01 năm 2025 từ ngày 13/01 đến 19/01/2025
- Công khai tuần 1 tháng 1 năm 2025 từ ngày 04 tháng 01 đến 10/01/2025
- Công khai tuần 4 tháng 12 năm 2024 từ 22/12 đến 28/12/2024
- Công khai tuần 3 tháng 12 năm 2024 từ ngày 15/12 đến 20/12/2024
- Công khai tuần 2 tháng 12 năm 2024 từ 09/12 đến 14/12/2024
- Công khai tuần 1 tháng 12 năm 2024 từ 02/12 đến 07/12/2024
- Công khai tuần 4 tháng 11 năm 2024 từ 18 đến 29/11/2024
- Công khai tuần 2 tháng 11 năm 2024 từ 11/11 đến 16/11/2024