BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG, CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT KHI CÓ BỆNH NHÂN MẮC SỐT XUẤT HUYẾT NỘI ĐỊA

Đăng lúc: 07:45:27 21/09/2023 (GMT+7)

 

 

Thưa toàn thể nhân dân

Bệnh Sốt xuất huyết đăng gơ (SXHD) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue (Đăng gơ) gây ra. Nguyên nhân lây lan bệnh là do muỗi vằn có tên là Aedes aegypti truyền virus Dengue từ người bệnh sang người lành qua vết đốt và có thể gây thành dịch.. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát dịch lớn vào mùa hè, mùa mưa, bệnh lây từ người sang người qua trung gian là muỗi, lây lan rất nhanh, diễn biến nặng và có thể tử vong.     

Thời gian gần đây, tại Hà Nội và các tỉnh phía Băc tình hình dịch bệnh Sốt xuất huyết đã lây lan rộng, số ca bệnh tăng nhanh. Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế, từ đầu năm đến hết tháng 8/2023 cả nước ghi nhận hơn 66.300 trường hợp Sốt xuất huyết; trong đó có 14 trường hợp tử vong tại các tỉnh, thành phố ở miền Nam.

          Tại Thanh Hóa, tính đến ngày 08/9/2023 ghi nhận hơn 300 ca mắc SXH chưa có ca nào tử vong.

          Tại Hoằng Hóa tính hết ngày 18/9/2023 ghi nhận 24 trường hợp mắc SXH gồm các xã sau đây: Hoằng Hải 04 ca; Hoằng Sơn 01; Hoằng Hà 01; Hoằng Tân 01; Hoằng Đông 02; Hoằng Phong 01; Hoằng Đạo 02; Hoằng Thái 01; Hoằng Đức 02; Hoằng Phụ 01; Hoằng Châu 01; Hoằng Trường 01; Hoằng Tiến 01; Hoằng Lưu 01; Hoằng Ngọc 02; Hoằng Trung 01; Hoằng Hợp 01. Trong đó có 03 xã có bệnh nhân nội địa là Hoằng Trường, Hoằng Ngọc và Hoằng Trung.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh Sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành có công dân của huyện nhà đi học tập, làm ăn trở về địa phương mang theo mầm bệnh SXH sẽ làm nguy cơ cao xuất hiện các ổ dịch; đồng thời điều kiện thời tiết nóng ẩm, nắng mưa đan xen tạo điều kiện thuận lợi cho lăng quăng và muỗi truyền bệnh phát triển.

          1. Đặc điểm dịch tễ và nguồn truyền nhiễm Sốt xuất huyết:

          - Dịch bệnh sốt xuất huyết đăng gơ là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền bởi muỗi vằn. Bệnh thường bùng phát vào mùa hè, mùa mưa tại những vùng có vệ sinh môi trường kém, nhiều ao nước đọng. Đây là môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và đi đốt người, gây lây nhiễm virus Dengue (Đăng gơ). 

          - Ổ chứa: Người là ổ chứa và là nguồn truyền nhiễm chủ yếu của bệnh sốt đăng/sốt xuất huyết đăng gơ (SD/SXHD) trong chu trình Người – Muỗi. Ngoài bệnh nhân, người mang virus Dengue không triệu chứng cũng có vai trò truyền bệnh. Trong ổ dịch SD/SXHD cứ 01 trường hợp bệnh điển hình có hàng chục trường hợp mang virus tiềm ẩn, không triệu chứng. Thời gian ủ bệnh từ 3-14 ngày, thông thường từ 5-7 ngày

          2. Biểu hiện lâm sàng của bệnh :

- Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày, khó hạ sốt

- Đau đầu, đau hốc mắt, đau nhức các cơ, khớp

- Chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn, đau bụng, buồn nôn  

- Mệt mỏi bất thường, nhiệt độ hạ nhanh xuống dưới 360C ; da xanh, lạnh và ẩm.

Nổi ban và xuất huyết ngoài da, nôn liên tục hoặc nôn ra máu, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, vết bầm tím chỗ tiêm, tiểu ít, đi ngoài phân đen....hãy đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời tránh tai biến có thể xảy ra.

          3. Chăm sóc người mắc SXH:

          - Người mắc bệnh SXH phải được chăm sóc và điều trị tại cơ sở y tế ;

- Nếu sốt cao từ 390C trở lên, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm, cho uống thuốc hạ nhiệt là Paracetamol, tuyệt đối không được tự mua thuốc để điều trị 

          - Uống nhiều nước: Dung dịch Oresol, nước trái cây...

          - Dinh dưỡng: Ăn thức ăn lỏng dễ tiêu (Cháo, sữa, thực phẩm giàu Vitamin C)

          - Người bị SXH hoặc nghi ngờ mắc bệnh phải nằm trong màn, tránh muỗi đốt để không lây sang người khác.

          - Theo dõi hàng ngày các triệu chứng cho đến khi hết sốt 2 ngày.

          4. Cách phòng chống bệnh SXH:

          Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng bệnh cách duy nhất là loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách: 

- Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt loăng quăng/bọ gậy, đồng thời đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

          - Thường xuyên cọ, rửa bể, thùng, súc rửa lu, chum vại, phi... dụng cụ chứa nước, dùng bàn chải cọ sát để loại bỏ trứng muỗi bám vào thành dụng cụ, đậy nắp không cho muỗi vào đẻ trứng.

          - Thường xuyên thay nước ở các lọ hoa, chậu cây cảnh... ít nhất một lần trong một tuần.

          - Thu dọn rác (chai, lọ, bát, lu vỡ, vỏ hộp nhựa, lốp xe hỏng, vỏ gáo dừa...)

          - Dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà sạch sẽ.

Phòng chống muỗi đốt:

          - Mặc áo dài tay

          - Ngủ màn kể cả ban ngày

          - Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt diệt muỗi…

          - Phun hóa chất diệt muỗi bằng hóa chất sinh học.

          Trên đây là những biện pháp phòng, chống bệnh SXH đề nghị mọi người dân thực hiện tốt các biện pháp nêu trên để phòng bệnh cho mình, cho gia đình và cho cộng đồng./.

KHÔNG CÓ BỌ GẬY, KHÔNG CÓ SỐT XUẤT HUYẾT !

                                                          Phương Mai, Trạm y tế xã Hoằng Trường 
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
521084