Về thăm quê các “Lão dân quân anh hùng” bắn rơi máy bay Mỹ
Hòa trong không khí vui tươi của những ngày đổi mới hòa bình, chúng tôi đến thăm tượng đài Lão quân Hoằng Trường, ôn lại chiến công của các lão dân quân bắn rơi 2 máy bay của Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen...
Chiến công đi vào lịch sử
Cách đây 54 năm trên đất Hoằng Trường, những năm tháng giặc Mỹ điên cuồng bắn phá, lúc ấy trai trẻ xã Hoằng Trường đi lính hết, ở địa phương chỉ còn người già, trẻ em và một số ít người trung tuổi. Để góp phần bảo vệ quê hương, đánh trả máy bay Mỹ, nhiều người cao tuổi trong xã lúc đó đề nghị chính quyền cho thành lập đội dân quân trực chiến và được chấp nhận… Thế là “Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường” được thành lập tháng 9/1967, gồm 18 thành viên, người thấp nhất là 49 tuổi và cao nhất là 69 tuổi, được trang bị một số súng bộ binh và 3 khẩu súng 12,7 li, do Bộ đội Hải quân giúp đỡ. Sau 15 ngày được một số cán bộ quân sự tỉnh, huyện và bộ đội Hải quân huấn luyện, trung đội đã được chính quyền xã làm lễ xuất kích. Đơn vị dân quân bố trí trực chiến trên Cao điểm 201 ở Lạch Trường, nơi máy bay địch thường xuyên bắn phá. Ngày 14/10/1967, hai máy bay F4H từ biển bay vào ném bom cách trận địa 300m, Trung đội đồng loạt nổ súng chính xác với 92 viên đạn 12,7 li, bắn rơi một chiếc F4H của Mỹ.
Đây là đơn vị lão dân quân đầu tiên và duy nhất ở miền Bắc bắn rơi máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh và được Bác Hồ gửi thư khen. Tại Bảo tàng huyện Hoằng Hóa hiện nay những dòng chữ của Bác được trang trọng giữ gìn như báu vật. Thư Bác viết: “Tôi rất vui mừng được tin ngày 14 tháng 10 vừa qua, các cụ đã bắn rơi chiếc máy bay thứ 2.400 bằng súng bộ binh. Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là tuổi cao chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước đưa sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn...”.
Tượng đài Lão quân Hoằng Trường anh hùng hiên ngang bên núi Linh Trường lịch sử. |
Sau đó đúng 10 ngày, vào 24/10/1967, Trung đội lão dân quân Hoằng Trường lại bắn rơi một chiếc máy bay AD6. Ngoài nhiệm vụ chiến đấu, các cụ còn khuyến khích con cháu và động viên thanh niên trong xã tham gia nhập ngũ. Với những thành tích xuất sắc trong quá trình hoạt động, Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba, Huân chương Chiến công hạng Nhất. Ngày 25/8/1970, Trung đội đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Câu chuyện cách đây 54 năm vẫn còn vang mãi, những người tham gia Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường ngày ấy, giờ đây không còn nữa, nhưng chiến công bắn rơi 2 máy bay Mỹ bằng vũ khí thô sơ sẽ còn lưu truyền mãi. Với lòng yêu nước và sự mưu trí, những con người bình dị nơi cửa biển ấy đã điểm thêm một dấu son trong bản hùng ca của lịch sử chiến tranh Nhân dân Việt Nam.
Không chỉ những tay súng gần “tuổi xưa nay hiếm”, mà những người lúc đó mới “ngoại tứ tuần” như cụ Nguyễn Hữu Đởn, Cao Văn Lanh, Vũ Bá Trệu, Nguyễn Thị Hiệu, Đặng Thị Yên,… thời ấy giờ đây đã về “thế giới bên kia”. Khắc ghi công lao của những người cao tuổi anh hùng, năm 2013, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng, tại trung tâm xã Hoằng Trường. Tượng đài được làm bằng chất liệu đá, cao 17,1m, nặng 170 tấn được đặt trên khối bê tông cốt thép cọc chịu lực. Hình tượng chính của tượng đài là một lão ngư với bộ ngực vạm vỡ phanh trần, một tay cầm chiếc mũ rơm, tay còn lại giơ cao ống ngắm của súng máy phòng không 12,7 li, hai bàn chân bám vào đất mẹ, mắt hướng ra biển khơi.
Hoằng Trường trên đường đổi mới
Hoằng Trường, một trong những xã thuộc Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến, có núi, sông, lạch, biển hội tụ. Đảo Nẹ cùng với hòn Bò, hòn Sụp và núi Linh Trường tạo thành một “cánh cung” án ngữ ven bờ biển, trở thành địa điểm lí tưởng để phát triển du lịch. Ngày nay, về với Hoằng Trường mọi người sẽ được ghé thăm khu Công viên Văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường, xã Hoằng Trường - nơi hội tụ vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời và tâm linh, nơi gắn liền với những câu chuyện truyền thuyết, ghi dấu lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương Hoằng Hóa, đã và đang trở thành tour du lịch thu hút du khách tham quan, khám phá khi đến với biển Hải Tiến, Hoằng Hóa.
Công viên Văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường tọa lạc ngay cửa biển Lạch Trường, xã Hoằng Trường, phía trước hướng nhìn ra Biển Đông với muôn trùng sóng vỗ bờ cát trắng dài phẳng lì, sau lưng tựa núi Linh Trường hùng vĩ. Từ lâu đời, nơi đây đã có nhiều di tích, thắng cảnh được hình thành một cách tự nhiên, gắn với những câu chuyện truyền thuyết, nhiều di tích mang đậm dấu ấn lịch sử cách mạng hào hùng của quê hương Hoằng Hóa, cũng là khu giao lưu văn hóa của bà con Nhân dân xã Hoằng Trường nói riêng và của huyện Hoằng Hóa nói chung. Nếu như trước kia khung cảnh nơi đây còn khá hoang sơ thì nay đã được huyện Hoằng Hóa và chính quyền xã Hoằng Trường đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp với nhiều hạng mục ấn tượng, thực sự trở thành điểm thu hút khách du lịch khi đến với Hoằng Hóa, đến với biển Hải Tiến trong xanh hiền hòa...
Đến thăm quan Công viên Văn hóa du lịch tâm linh Lạch Trường, xã Hoằng Trường, du khách sẽ ấn tượng khi tận mắt chứng kiến xương cá Voi - được ngư dân nơi đây xem như đó là linh ứng, sự may mắn, phù hộ cho ngư dân an toàn khi khai thác hải sản trên biển. Trong tương lai không xa, một điểm đặc biệt tại Công viên Văn hóa tâm linh Lạch Trường nữa đó là hoàn thiện việc trùng tu chùa Bụt linh thiêng và đặt Tượng phật Quan âm Bồ tát Nam Hải hai mặt, cao nhất Việt Nam với 78m trên đỉnh núi Hòn Bò. Từ công viên văn hóa tâm linh Lạch Trường, du khách cũng khá dễ dàng đi thăm thú những điểm khác lân cận như: Bãi nuôi ngao tự nhiên, Cảng cá Lạch Trường, tại đây du khách được trải nghiệm nhiều điều thú vị như: Cào ngao, đánh bắt cá cùng bà con ngư dân. Xa hơn một chút là đến thăm Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng
Ông Nguyễn Thanh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường cho biết: “Hiện nay nghề cá ở Hoằng Trường không những đem lại nguồn thu chính cho cư dân nơi đây mà còn có nhiều dịch vụ hậu cần nghề cá khác như sản xuất đá lạnh, xưởng sửa chữa tàu thuyền, dịch vụ dầu máy, dịch vụ ướp, đóng thùng và vận chuyển cá đến nơi tiêu thụ… đây là những điều kiện cần thiết cho các dịch vụ thương nghiệp, buôn bán phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Không chỉ duy trì một đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu, mà nơi đây đã biết phát huy lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hóa của ngư dân làng biển, khẳng định thế mạnh phát triển ngành công nghiệp “không khói”, góp phần vào sự phát triển chung của Khu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến”.
Tân Thành
- ĐỀN THỜ PHẠM CUỐNG - PHẠM VẤN, KHAI QUỐC CÔNG THẦN TRONG KHỞI NGHĨA LAM SƠN
- Vang mãi chiến công của các lão dân quân anh hùng
- Phạm Cuống, người đến vùng đất Thanh Hóa và lập nên dòng họ Lê Phạm
- Công viên văn hóa du lịch tâm linh Hòn Bò - Lạch Trường thu hút du khách du lịch
- Lễ hội Cầu Ngư Hoằng Trường - nét đẹp độc đáo trong văn hóa tâm linh của ngư dân vùng biển Xứ Thanh
- Về thăm quê các “Lão dân quân anh hùng” bắn rơi máy bay Mỹ
- Trung đội lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 trên bầu trời Miền Bắc
- BẢO VỆ DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẦN LẮM TRÁCH NHIỆM CỦA MỌI NGƯỜI
- Di tích lịch sử núi Linh Trường - Các cụ dân quân Hoằng Trường bắn rơi máy bay Mỹ
- Công khai tuần 3 tháng 12 năm 2024 từ ngày 15/12 đến 20/12/2024
- Công khai tuần 2 tháng 12 năm 2024 từ 09/12 đến 14/12/2024
- Công khai tuần 1 tháng 12 năm 2024 từ 02/12 đến 07/12/2024
- Công khai tuần 4 tháng 11 năm 2024 từ 18 đến 29/11/2024
- Công khai tuần 2 tháng 11 năm 2024 từ 11/11 đến 16/11/2024
- Công khai tuần 1 tháng 11 năm 2024 từ ngày 04/11 đến 08/11/2024
- Công khai tuần 5 tháng 10 năm 2024 từ 28/10 đến 01/11/2024
- Công khai tuần 4 tháng 10 năm 2024 từ ngày 21/10 đến 26/10/2024