Trung đội lão dân quân Hoằng Trường bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2.400 trên bầu trời Miền Bắc

Đăng lúc: 16:23:19 25/12/2021 (GMT+7)

 Núi Linh Trường vắt ngang bãi biển Hoằng Hóa như một dải lụa khổng lồ. Cùng với dòng sông Lạch Trường nổi tiếng, hình sông thế núi ấy đã tạo nên bức tranh diễm lệ cho vùng đất Cổ Hoằng xưa.
trung-doi-lao-dan-quan-1640447021.png
Ảnh minh họa do tác giả cung cấp

 Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, Linh Trường chính là “vật chuẩn” để các phi công Mỹ xác định đường bay từ biển vào đánh phá cầu Hàm Rồng và đất liền Thanh Hóa. Nơi đây có vị trí xung yếu và tính chiến lược quan trọng bậc nhất của xứ Thanh và miền Bắc trong các cuộc chiến tranh.

Đầu năm 1967, phong trào bắn rơi máy bay Mỹ lan rộng khắp các vùng núi, trung du, ven biển trên dia bàn tỉnh. Ngày 16-6-1967, Trung đội dân quân gái xã Hoa Lộc (huyện Hậu Lộc) dùng súng bộ binh bắn rơi một máy bay Mỹ, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Ngày 8-8-1967, Trung đội nữ dân quân xã Thanh Thủy (huyện Tĩnh Gia) cũng bắn rơi một máy bay Mỹ. Thấy con cháu liên tiếp lập công, với tinh thần “Giặc đến nhà, trẻ già đều là chiến sĩ”, không quản tuổi cao, sức yếu, các cụ lão dân quân Hoằng Trường viết quyết tâm thư gửi lên lãnh đạo cấp trên đề nghị thành lập một đơn vị pháo để chiến đấu bảo vệ xóm làng. Tại hội nghị các cụ phụ lão trong xã, tất cả 150 cụ đều xung phong tham gia. Đảng ủy và Ban chỉ huy quân sự xã xét chọn được 18 cụ. Các cụ còn lại được giao trực chiến tại địa bàn thôn, xóm, thực hiện triệt để phương châm “mỗi đơn vị sản xuất là một pháo đài chiến đấu, mỗi gia đình là một công cụ an toàn, mỗi cánh đồng là một trận địa”. Ngày 8/8/1967, Trung đội lão dân quân Hoằng Trường được thành lập gồm các cụ: Lê Văn Hợp, Lê Trương Thùy, Nguyễn Đăng Tề, Lê Trương Ẩn, Nguyễn Văn Thiểm, Nguyễn Viết Đáo, Lê Văn Tuyết, Cao Văn Lanh, Lê Văn Chớn, Nguyễn Hữu Đỡn, Nguyễn Hữu Xá, Vũ Bá Trêu, Lê Văn Xứa, Lê Văn Lại, Trương Đình Thái, Lê Văn Kiến, Nguyễn Minh Thọ, Lê Văn Chữ và 2 bà nuôi quân phục vụ các cụ chiến đấu là Nguyễn Thị Hựu và Đặng Thị Yên. Người nhiều nhất là 69 tuổi mà ít nhất là 49 tuổi, do cụ Lê Văn Hợp chỉ huy, trang bị một số súng bộ binh và 3 khẩu 12,7mm do bộ đội Hải quân tặng. Sau 15 ngày được cán bộ tỉnh đội, huyện đội mà trực tiếp là bộ đội Hải quân huấn luyện, trung đội làm lễ xuất kích, trực chiến trên cao điểm 201.

12 giờ ngày 14-10-1967, một tốp 2 chiếc F.4H từ hướng biển bay vào lượn qua trận địa. Chiếc thứ nhất bị pháo cao xạ của bộ đội đón đánh, các cụ không nổ súng. Chiếc thứ hai thấy không bị hỏa lực của bộ đội ta uy hiếp, nên tỏ vẻ “hung hăng” bổ nhào xuống thấp. Đợi máy bay vào đúng phần tử bắn, các cụ bình tĩnh theo lệnh chỉ huy đồng loạt nổ súng. Ba khẩu 12,7mm rung lên với 92 viên đạn chính xác “kết liễu” số phận chiếc máy bay, đây là chiếc máy bay thứ 2400 bị bắn rơi trên miền Bắc. Chiến thắng vang dội ấy truyền đi khắp cả nước, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thưởng Huân chương Quân công hạng Ba và gửi thư khen các cụ “Tuổi cao trí càng cao”, nêu gương cho đồng bào cả nước cùng học tập. 10 ngày sau đó, Trung đội lão dân quân Hoằng Trường lại bắn rơi thêm một chiếc AD6 của giặc Mỹ. Đây là trung đội lão dân quân đầu tiên và duy nhất trên miền Bắc bắn rơi máy bay phản lực Mỹ bằng súng bộ binh. Chiến công của các cụ lão quân đã làm nức lòng đồng bào trong tỉnh, rạng ngời khẩu hiệu thiêng liêng “sông Mã kiên cường, Lạch Trường dậy sóng’, góp phần cùng quân dân cả nước tạo nên “những ngày đen tối nhất của không lực Hoa Kỳ”. Với thành tích xuất sắc liên tiếp đó, ngày 25/8/1970, Trung đội Lão dân quân Hoằng Trường đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Hơn 50 năm sau ngày các cụ dân quân dùng súng trường bộ binh bắn rơi máy bay Mỹ, hôm nay Hoằng Trường đã có nhiều đổi thay. Từ trung tâm xã cho đến các thôn, làng những công trình phúc lợi xã hội, những ngôi nhà mái bằng, cao tầng mọc lên san sát, những con đường bê tông thẳng tắp, những khách sạn, biệt thự lộng lẫy tô điểm cho bức tranh quê hương những sắc màu nổi bật của vùng đất đang trên đà phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của gần 10 ngàn dân trong xã ngày có nhiều chuyển biến tiến bộ. Đó là thành quả của sự đoàn kết, bền bỉ phấn đấu của Đảng bộ và nhân dân Hoằng Trường trong suốt những năm qua.    

Cùng sự phát triển đi lên của cả nước, Hoằng Trường hôm nay đang thay da đổi thịt hàng ngày. Những thành tích mà Trung đội Lão quân dân Hoằng Trường đạt được trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi là bản anh hùng ca bất tử, là động lực tinh thần to lớn để đảng bộ, chính quyền quân và dân Hoằng Trường ra sức phấn đấu xây dựng quê hương, góp phần cùng cả huyện đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới trên quê hương cách mạng anh hùng.
                                           Trần Đức Tuấn

0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
521084