BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG BỆNH SỐT XUẤT HUYẾT

Đăng lúc: 08:52:51 08/09/2023 (GMT+7)

 

 

Kính thưa toàn thể nhân dân!

Trước tình hình dịch bệnh diễn ra phức tạp, trong đó có dịch bệnh  Sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh, đặc biệt thời tiết nắng nóng kéo dài và bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện cho côn trùng, muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Mùa tham quan du lịch và sự giao lưu của cộng đồng giữa các vùng miền, tăng sự lây lan trong cộng đồng dân cư.

Bệnh SXH đến nay chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng muỗi đốt.

Tất cả mọi người đều có thể bị sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hiện nay trên địa bàn xã Hoằng Trường đã xuất hiện ca mắc Sốt xuất huyết đầu tiên tại Thôn Hải Sơn, xã Hoằng Trường.

Để phòng chống dịch bệnh bùng phát, lan rộng và kéo dài trước diễn biến phức tạp của dịch Sốt xuất huyết. Trạm Y tế xã Hoằng Trường xin hướng dẫn toàn thể nhân dân cách xử lý vệ sinh môi trường phòng chống Sốt xuất huyết trên địa bàn cụ thể như sau:

          1. Xử lý dụng cụ chứa nước

- Dụng cụ chứa nước sinh hoạt (chum vại, bể nước mưa, cây cảnh...): dùng các biện pháp ngăn ngừa muỗi sinh đẻ (có nắp đậy thật kín, ...).

- Thả cá trong dụng cụ chứa nước.

- Lật úp các dụng cụ gia đình như xô, chậu, bát, máng nước gia cầm.

- Khơi thông những vị trí có nước tù đọng, dọn rửa thường xuyên dụng cụ chứa nước lâu ngày.

          2. Loại trừ ổ bọ gậy

- Đối với bẫy kiến, lọ hoa, chậu cây cảnh, khay nước tủ lạnh hoặc điều hòa nhiệt độ: Dùng dầu hoặc cho muối vào, thay nước 1 lần/tuần, cọ rửa thành dụng cụ chứa nước để diệt trứng muỗi truyền bệnh.

- Thu dọn, phá hủy các ổ chứa nước tự nhiên hoặc nhân tạo (chai, lọ, lu, vò vỡ, vỏ đồ hộp, lốp xe hỏng, vỏ dừa...) cho vào túi rồi chuyển tới nơi thu gom phế thải của địa phương hoặc hủy bỏ bằng chôn, đốt.

- Các hốc chứa nước tự nhiên (hốc cây, kẽ lá, gốc tre nứa...): loại bỏ, lấp kín, chọc thủng hoặc làm biến đổi.

- Sử dụng hóa chất diệt ấu trùng muỗi tại các ổ đọng nước như: các hố ga ngăn mùi, bể cảnh, lọ hoa...

- Phát quang bụi rậm, hạn chế môi trường ẩm thấp là nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

          3. Đối với cá nhân và các hộ gia đình:

- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

          4. Người dân cần nhận biết các dấu hiệu sớm của bệnh sốt xuất huyết để điều trị kịp thời.

Bị sốt xuất huyết trước hết là xuất hiện sốt, kèm theo triệu chứng đau nhức mình mẩy, chán ăn, sốt kéo dài từ 2-5 ngày, sau đó bệnh nhân có các nốt phát ban, chảy máu chân răng, nếu bệnh nặng thì có thể dẫn đến chân tay lạnh, đau bụng, trụy mạch, vã mồ hôi, có biểu hiện xuất huyết nội tạng.

Để xác định rõ có bị sốt xuất huyết hay không, người dân cần đi khám để được chẩn đoán sớm và được bác sỹ hướng dẫn cách chăm sóc và theo dõi bệnh.

- Khi có các triệu chứng về Sốt xuất huyết, người dân không tự ý chữa bệnh tại nhà. Nếu tự ý điều trị, bệnh sốt xuất huyết ở nhà lâu không khỏi, bệnh nhân rất dễ gặp các biến chứng như tràn dịch màng phổi, bụng to, cổ trướng…Ngoài ra, một biến chứng nữa có thể xuất hiện đó là xuất huyết bất thường do rối loạn đông máu, suy giảm tiểu cầu gây chảy máu cam dữ dội, rong kinh, xuất huyết đường tiêu hóa, suy tạng, xuất huyết não, phổi... và tử vong.

          Để tránh bệnh Sốt xuất huyết nặng thêm người dân khi thấy xuất hiện các triệu chứng bệnh Sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế khám và tư vấn điều trị./.

                             Phương Mai, Trạm y tế xã Hoằng Trường

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  
0 Bình luận
Ý kiến bạn đọc
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
521084